Hoạt động của ngành

Định hướng phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Bến Tre

Cập nhật: 22/10/2024 15:34:34
Số lần đọc: 241
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa công bố Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống DL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch). Bám sát những định hướng chung của quy hoạch này làm cơ sở quan trọng để DL tỉnh Bến Tre tiếp tục phát triển theo chủ trương mà Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2017 về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra.


Đoàn du khách lữ hành quốc tế đến tìm hiểu, khai thác các tuyến điểm du lịch mới cánh Nam TP. Bến Tre.

Những điểm mới đáng chú ý của quy hoạch

Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như từ Bộ VHTTDL, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành DL sẽ còn nhiều khó khăn phải vượt qua, cùng với đó là các cơ hội thuận lợi để phát triển trong xu thế hòa bình, hợp tác và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ.

Quy hoạch mới đã bám sát Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2017 về phát triển DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như bám sát quy hoạch tổng thể quốc gia và kế thừa các quan điểm của các quy hoạch phát triển DL trước đây. Tiếp tục khẳng định DL là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, bổ sung và làm sâu sắc thêm các nội dung phù hợp với xu hướng phát triển DL mới, trong đó nhấn mạnh văn hóa Việt Nam là nền tảng.

Phát triển DL theo hướng bền vững, sáng tạo, tập trung vào chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và phát huy yếu tố con người, đặc biệt quan tâm tính thích ứng với rủi ro. Cơ cấu lại thị trường DL theo hướng chất lượng, đa dạng hóa các thị trường khác nhau, khai thác các phân đoạn thị trường có mức chi trả cao, lưu trú dài ngày, kết hợp khai thác hài hòa giữa thị trường quốc tế và nội địa.

Nêu rõ phát triển 3 nhóm sản phẩm: Đầu tiên, các dòng sản phẩm chính của DL Việt Nam mà các quy hoạch trước đã xác định. DL biển đảo, DL văn hóa (xác định công nghiệp văn hóa là hướng quan trọng). DL sinh thái (gắn với DL nông nghiệp, nông thôn), DL đô thị (gắn với loại hình DL MICE: hội họp, gặp gỡ; khen thưởng; hội nghị, hội thảo; sự kiện, triển lãm). Bên cạnh đó, còn có các dòng sản phẩm DL mới theo xu hướng hiện nay như: DL thể thao, DL mạo hiểm, các sản phẩm DL dựa trên thế mạnh đặc thù của các địa phương như DL kinh tế đêm…

Tổ chức không gian phát triển DL được định hướng chi tiết. Theo đó, quy hoạch tổ chức không gian DL Việt Nam, gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang DL chính, 11 trung tâm DL; hình thành hệ thống các khu DL quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu DL quốc gia.

Đáng chú ý, quy hoạch đã xác định các định hướng mới mang tầm thời đại trong phát triển DL như định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, xác định rõ các quan điểm của DL Việt Nam. Đó là chất lượng, hiệu quả, bền vững, toàn diện, lấy trải nghiệm của khách DL làm trọng tâm, quan tâm đến lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tôn trọng văn hóa bản địa của địa phương và phát huy hiệu quả vai trò cộng đồng địa phương và văn hóa bản địa để phát triển DL bền vững theo hướng tăng trưởng xanh. Xác định 10 nhóm giải pháp, góp phần định hướng cho ngành DL Việt Nam trong thời gian tới, phát huy thế mạnh từng địa phương.

Về mục tiêu, chỉ tiêu, cụ thể đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển DL cao trên thế giới. Ngành DL phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, ngành DL đóng góp trực tiếp 8 - 9% GDP cả nước.

Đến năm 2030, DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới. DL sẽ đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm, đóng góp trực tiếp từ 13 - 14% trong GDP.

Du lịch tỉnh trong bối cảnh chung

Theo quy hoạch, DL tỉnh thuộc vùng DL đồng bằng sông Cửu Long là 1/6 vùng DL chính của cả nước, có sự liên kết phát triển chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh là 1/3 cực tăng trưởng DL chủ đạo, gắn với TP. Cần Thơ là 1/11 trung tâm DL và gắn với 2/8 khu vực động lực phát triển DL là TP. Hồ Chí Minh - Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau thông qua hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam.

Đoàn du khách lữ hành quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch tại làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre.

Các sản phẩm DL thế mạnh của tỉnh cũng được xác định phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm DL chủ đạo của nước ta. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ thông qua ngày 17/11/2023 đã xác định định hướng phát triển DL tỉnh theo hướng phát triển các sản phẩm DL chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của DL sinh thái sông nước xứ Dừa. Phát triển ba loại hình DL chính là DL văn hóa, DL sinh thái nghỉ dưỡng và DL vui chơi giải trí, trong đó có sự khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên bản địa từ cây dừa.

UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 1729/KH-UBND ngày 27/3/2023 về phát triển DL cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Phát triển DL cộng đồng trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để xây dựng các chương trình trải nghiệm chân thực, trở thành sản phẩm DL đặc trưng, tạo thương hiệu cho DL tỉnh. Phát triển sản phẩm DL cộng đồng, tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và ý thức của người dân và cộng đồng địa phương trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hóa truyền thống để khai thác phục vụ DL.

Cùng với đó, Kế hoạch số 3446/KH-UBND ngày 12/6/2023 về phát triển DL nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 đã xác định rõ các giải pháp, nhằm đẩy mạnh phát triển DL nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Đặt vào bối cảnh chung Quy hoạch phát triển DL của khu vực và cả nước có thể thấy được những thuận lợi cho sự phát triển của DL tỉnh. Nhất là trong việc đánh giá các mối tương quan và liên kết khai thác DL giữa Bến Tre với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để DL tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đưa DL tỉnh nhà ngày càng phát triển bền bỉ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như sự phát triển của ngành DL cả nước.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nguồn: Báo Đồng Khởi - baodongkhoi.vn - Đăng ngày 21/10/2024

Cùng chuyên mục