Phát triển nhân lực du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Thuyết minh cho đoàn khách tại Đền thờ Vua Hùng (thành phố Cần Thơ).
Theo nhận xét của nhiều du khách, đến với mảnh đất Tây Nam Bộ, có thể dễ dàng cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện, nhiệt tình của những người làm du lịch ở đây. Điều này phần nào tạo nên cảm tình cho du khách.
Chưa tương xứng tiềm năng
Tại nhiều điểm du lịch, không ít hướng dẫn viên chưa có sự chuyên nghiệp cần thiết; nguồn nhân lực du lịch chủ yếu theo kiểu "của nhà trồng được". Tức là những người chủ lấy anh em, họ hàng, người quen để thuê mướn kiêm luôn từ quản lý, dẫn khách, thuyết minh, đầu bếp…
Những người này hầu hết chưa được đào tạo hoặc chỉ được bồi dưỡng qua vài lớp tập huấn chưa chuyên nghiệp về nghiệp vụ cho nên thiếu rất nhiều kỹ năng.
Chị Phương Nga, quản lý một khu du lịch sinh thái ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Gia đình chị phát triển khu sinh thái từ vườn cây ăn trái của gia đình. Nhân viên chủ yếu tuyển người nhà, không được đào tạo bài bản. Vì thế, nếu muốn mở rộng quy mô, tăng cường quảng bá là khó khăn, vì không ai có kinh nghiệm trong việc kết nối tour, tuyến cũng như làm marketing.
Tại nhiều khu du lịch, danh thắng địa phương, có nhiều hướng dẫn viên, thuyết minh viên mà công việc chủ yếu của họ chỉ là lặp đi lặp lại các bài giới thiệu theo bài vở, thiếu sự sáng tạo. Nhiều người cũng không được đào tạo để trở thành người làm du lịch chuyên nghiệp.
Anh Tuấn Đạt, hướng dẫn viên một khu di tích tại tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Chúng tôi được tuyển chọn chủ yếu từ cán bộ văn hóa địa phương, có kiến thức về lịch sử, địa lý, nhưng không được đào tạo bài bản về du lịch. Bên cạnh đó, thu nhập cũng chỉ đủ sống vì đồng lương eo hẹp, cho nên muốn đầu tư học tập, nâng cao trình độ, nghiệp vụ cũng khó.
Hiện nay nhiều công ty du lịch, lữ hành đối mặt thách thức trong tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Người quản lý và hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ còn khan hiếm. Các cơ sở đào tạo du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long có những bước tiến đáng kể trong việc cung cấp nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, vẫn cần nhiều cải thiện về chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, cạnh tranh thu hút nhân tài giữa các doanh nghiệp du lịch trong cả nước ngày càng gay gắt. Tình trạng "chảy máu chất xám" về Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… đang diễn ra.
Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ, mặc dù Vietravel đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo nội bộ, nhưng bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các chi nhánh trên toàn quốc vẫn là thách thức. Tốc độ thay đổi nhanh chóng của ngành du lịch đòi hỏi nhân lực phải liên tục cập nhật kỹ năng công nghệ và đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long, dù đã có nhiều cơ sở giáo dục mở chuyên ngành đào tạo du lịch, vẫn thiếu sự liên kết hiệu quả giữa các địa phương và cơ sở đào tạo trong vùng và với các thành phố khác. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngành.
Nhiều lao động chưa qua đào tạo chuyên môn du lịch, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin còn yếu. Các trường đào tạo du lịch trong vùng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% đến 60% nhu cầu. Sinh viên ra trường chủ yếu nắm được lý thuyết, thiếu kỹ năng chuyên sâu và xử lý tình huống…
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã chỉ ra những điểm yếu: Nhân lực du lịch Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng 150 nghìn người. Trong đó, 51% chưa qua đào tạo, chỉ 8% có trình độ đại học và sau đại học, phân bố chủ yếu ở Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết: Hiện nay, tỉnh có hai cơ sở đào tạo nhân lực ngành du lịch thuộc Trường đại học Trà Vinh và Trường cao đẳng Nghề Trà Vinh, hằng năm đào tạo khoảng 30 sinh viên chuyên ngành quản trị du lịch, nhà hàng, khách sạn. Tỉnh đã liên kết, tập huấn cho gần 1.200 học viên về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp du lịch, nghiệp vụ du lịch, thực hành thuyết minh tại điểm…
Mặc dù vậy, thực trạng nguồn nhân lực chưa theo kịp điều kiện phát triển của ngành. Phần lớn là lao động phổ thông, lao động trong gia đình, chưa qua đào tạo nghề du lịch, nhiều người không biết ngoại ngữ hoặc chỉ được đào tạo các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, tay nghề còn thấp,…
Theo Thạc sĩ Đinh Hiếu Nghĩa (Trường cao đẳng Du lịch Cần Thơ), có sự mâu thuẫn trong đào tạo-tuyển dụng. Ngưỡng cung đã vượt quá cầu về số lượng. Sinh viên du lịch khó tìm được việc làm. Các cơ sở kinh doanh du lịch ở nhiều địa phương thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn.
Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt những thách thức lớn như chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, hạn chế trong hoạt động thu hút, giữ chân nhân tài và đào tạo nguồn lao động tại chỗ, chưa cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp, trong khi mức thu nhập và chế độ phúc lợi chưa cạnh tranh…
Liên kết cơ sở đào tạo và doanh nghiệp
Đề cập giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực dài hạn; xây dựng hệ thống thông tin về lao động và việc làm du lịch; thực hiện thu thập và cập nhật dữ liệu; thực hiện chế độ thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho công tác đào tạo…
Theo Thạc sĩ Đinh Hiếu Nghĩa, việc tích hợp thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch vào quá trình đào tạo là rất quan trọng. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hợp tác thông qua hoạt động đào tạo, hướng đến đào tạo chuyên sâu nhân sự cho từng vị trí việc làm và từng loại hình du lịch từ quy mô ngắn hạn hướng đến dài hạn…
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo-doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhất để giải bài toán nhân lực du lịch. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ trong việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận các kỹ năng làm việc thực tế thông qua các chương trình thực tập, hướng dẫn nghề nghiệp và trao đổi kinh nghiệm trực tiếp từ những người làm trong ngành.
Việc tăng cường đào tạo về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và hiểu biết về xu hướng du lịch quốc tế cũng là yếu tố giúp nhân lực trẻ khi ra trường dễ dàng thích ứng và phát triển trong môi trường du lịch ngày càng cạnh tranh. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, cùng với việc liên tục cập nhật giáo trình đào tạo, nguồn nhân lực du lịch tại khu vực sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch và không gian du lịch là ba trụ cột phát triển du lịch bền vững vùng. Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đặc thù và sự kết nối không gian du lịch.
Cần cung ứng nhân lực theo nhu cầu thị trường và định hướng phát triển du lịch của địa phương, hai cụm du lịch và vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Chú trọng nhân lực phục vụ cho "không gian du lịch" bao gồm các tuyến, điểm du lịch và cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng để không "lệch pha" trong đào tạo và sử dụng, bất cập cung-cầu, lãng phí nguồn lực.
Ngành du lịch vùng nên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động trực tiếp trong ngành du lịch, bảo đảm kiến thức, kỹ năng, chuyên môn theo từng chuyên ngành du lịch, trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng mềm, kiến thức bản địa, có chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực gắn với xây dựng thương hiệu du lịch vùng.
Bên cạnh đó, cần có sự kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các "Cluster-cụm ngành du lịch"…
Bài và ảnh: Hoàng Phan