Non nước Việt Nam

Bắc Ninh: Phát huy di sản Nho học thời kỳ hội nhập

Cập nhật: 22/09/2021 12:50:21
Số lần đọc: 757
Bắc Ninh là “cái nôi” của Nho học khoa bảng, nơi Sĩ Nhiếp mở trường dạy chữ Nho đầu tiên. Với nhiều thế kỷ gắn bó cùng người Việt Nam, Nho học để lại cho hậu thế một kho tàng tri thức phong phú cùng nhiều di sản quý báu như các di tích về trường học, trường thi, nơi ghi danh, thờ cúng những bậc tiên hiền, tiên triết…


Các danh khoa bảng Bắc Ninh-Kinh Bắc không chỉ đông đảo về số lượng mà còn là những bậc tài danh trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... Hầu hết các danh thần, Tiến sĩ, Tạo sĩ khi đoạt bảng vàng đã đem tài trí, tâm đức phụng sự, cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trở thành những danh nhân lịch sử văn hóa được ghi vào sử sách, nhân dân nhớ ơn thờ phụng, tiêu biểu như: Lê Văn Thịnh, Hàn Thuyên, Huyền Quang -Lý Đạo Tái, Nguyễn Quan Quang, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Xuân Chính, Nguyễn Công Hãng, Đàm Thận Huy, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Cao...

Qua tìm hiểu bước đầu của các nhà nghiên cứu, có 77 vị khoa bảng người Bắc Ninh được cử đi sứ phương Bắc đem lại vẻ vang cho quốc gia như Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Đăng... 20 người là tác gia văn học nổi tiếng, 9 người là thành viên hội Tao đàn Thập nhị bát tú do Lê Thánh Tông lập ra; 18 vị được giữ chức Tế Tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám...

Nhiều làng xã ở Bắc Ninh xưa đã có truyền thống khuyến học, trọng người hiền tài, trọng đạo học và quý trọng người thầy. Hầu hết các phủ, huyện, tổng và làng xã xưa xây dựng văn chỉ, khắc bia ghi danh những bậc khoa bảng để mọi người nhớ ơn và noi theo. Đặc biệt, Bắc Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước có văn miếu hàng xã (ở xã Trà Lâm). Một số di tích Nho học độc đáo như Văn chỉ họ Phạm ở làng khoa bảng Kim Đôi (Kim Chân, thành phố Bắc Ninh); Hương hiền từ ở làng Phù Lưu (Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn); Văn chỉ làng Ngọc Quan (Lâm Thao, Lương Tài) đã khắc bia ghi danh tôn thờ 47 vị khoa bảng của làng... Và còn rất nhiều những danh gia vọng tộc ghi chép gia phả, lập đền thờ tổ tiên gia tộc và các danh nhân khoa bảng như họ Đàm ở Hương Mạc, họ Nghiêm ở Quan Độ, họ Ngô ở Tam Sơn, họ Nguyễn ở Kim Đôi, họ Nguyễn ở Vĩnh Kiều, họ Nguyễn Đăng ở Hoài Thượng, họ Nguyễn Đức ở Quế Ổ...


Lăng Sĩ Nhiếp - nơi tôn thờ ông Tổ của nền Nho học Việt Nam.

Từ truyền thống khoa bảng vẻ vang với những nét tiêu biểu, đặc sắc đó mà Bắc Ninh là một trong số rất ít tỉnh có một hệ thống di sản văn hóa Nho học giàu giá trị với hệ thống bia đá, sắc phong, các di tích, nhà thờ gia tộc, dòng họ vô cùng phong phú và đa dạng. Qua đó, thể hiện chiều sâu, sự đậm đặc trong ý thức, tinh thần hiếu học của người Bắc Ninh-Kinh Bắc để kết tinh thành truyền thống khoa bảng của quê hương, đất nước…

Ngày nay, hệ thống di sản Nho học của Bắc Ninh tuy không còn đầy đủ, nguyên vẹn như xưa song vẫn luôn là niềm tự hào, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống khoa bảng vẻ vang, sâu sắc của quê hương. Giới chuyên môn khẳng định, di tích Nho học là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá, không chỉ mang ý nghĩa lưu giữ những truyền thống tốt đẹp mà còn có tác động tích cực đến tiến trình phát triển của quê hương, đất nước trong thời đại hội nhập. Bảo tồn và phát huy hệ thống di tích Nho học là gìn giữ truyền thống của cha ông để lại, hun đúc thêm tinh thần hiếu học cho các thế hệ trẻ.

Những năm qua, Bắc Ninh có nhiều sự quan tâm, đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm. Nhiều di tích Nho học được lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh và cấp Quốc gia, trong đó những di tích quốc gia được đầu tư bảo quản, tu bổ và phục hồi bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích. Mặc dù vậy, công tác bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị di tích đặc biệt này hiện vẫn chưa thật tương xứng; các tư liệu Nho học đang còn tản mạn, rải rác ở nhiều nơi chưa được sưu tầm, lưu trữ và bảo quản đúng. Công tác tuyên truyền, giới thiệu cũng chưa được chú trọng đầu tư cả về con người lẫn điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí…

Để các di tích Nho học tiếp tục khẳng định vai trò trong xã hội đương đại cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương; tăng cường tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, hoạt động của di tích Nho học trên các nền tảng số, lan tỏa ý nghĩa, giá trị di sản đến đa dạng đối tượng, nhất là học sinh, sinh viên nhằm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa hiếu học trong thế hệ trẻ. Tạo sự liên kết giữa các di tích Nho học với nhau và với các di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trong vùng; phát huy lợi thế không gian, địa điểm, mở rộng xã hội hóa cho các hoạt động như: Hội họp, khuyến học; thi và triển lãm thư pháp; trưng bày giới thiệu các sản phẩm văn hóa địa phương; truyền dạy, trình diễn các loại hình nghệ thuật và các hoạt động văn hóa phi vật thể khác... Và nếu như xây dựng được một mô hình dịch vụ phù hợp tại các di tích Nho học còn có thể biến những giá trị tinh thần thành giá trị vật chất, tạo nguồn thu phục vụ cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích...

Truyền thống hiếu học, khoa bảng là một nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần kiến tạo nền văn hiến và bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc. Di sản văn hóa Nho học như những nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại và là chỗ dựa tinh thần, nơi răn mình của những người theo đòi nghiệp bút nghiên, đồng thời góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống “tôn sư trọng đạo”, hiếu học, khoa bảng của quê hương, đất nước.

Việt Thanh

Nguồn: Báo Bắc Ninh

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT