Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Toàn ngành VHTTDL tập trung vào khâu đột phá xây dựng thể chế và thúc đẩy chuyển đổi số

Cập nhật: 23/09/2021 08:45:33
Số lần đọc: 954
(TITC) - Sáng ngày 22/9/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các đồng chí lãnh đạo Bộ.  

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn (Ảnh: TITC)

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gây ra những tác động nghiêm trọng đến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là dịp tổng kết kết quả ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua, đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đến Ngành, từ đó hành động quyết liệt, quyết tâm vượt qua những khó khăn thử thách của dịch bệnh.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của toàn Ngành. Hoạt động lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích phải tạm dừng. Các hoạt động văn hóa đối ngoại, giao lưu hợp tác văn hóa, bảo tàng, triển lãm trong nước gần như “đóng băng”. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao đã bị gián đoạn, kế hoạch liên tục bị thay đổi. Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, đóng cửa thị trường khách quốc tế, đứt gãy chuỗi tăng trưởng hàng năm. 

Dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của các Bộ, Ban, ngành, các tỉnh, thành phố, sự vào cuộc của các Sở quản lý văn hóa, thể thao và du lịch các địa phương cùng sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn Ngành, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Ngành du lịch nỗ lực đổi mới công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá trong bối cảnh dịch bệnh

Chia sẻ về các giải pháp truyền thông, xúc tiến quảng bá của ngành du lịch trong tình hình mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã gần 2 năm qua, hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ. Mặc dù vậy, hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến nhằm kết nối và nhắc nhở Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, duy trì thương hiệu “Vietnam - Timeless Charm”. Tổng cục Du lịch cùng cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức và tham dự gần 10 chương trình giới thiệu du lịch online; duy trì trao đổi, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế.

Một điểm sáng trong công tác xúc tiến, quảng bá trong bối cảnh tác động của Covid-19 là việc chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời. Khi du lịch quốc tế bị đóng băng, ngành du lịch đã đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa. Nổi bật là 2 chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động và nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hàng không. Các đơn vị cung cấp dịch vụ đã tăng cường liên kết; hợp tác công tư được đẩy mạnh; nhiều gói sản phẩm du lịch hấp dẫn được giới thiệu và được du khách, nhân dân nhiệt tình đón nhận. Có thể nói kích cầu du lịch nội địa đã góp phần giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với toàn ngành.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: TITC)

Tổng cục trưởng cũng cho biết, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, sẽ triển khai những hoạt động truyền thông, kích cầu du lịch trên cơ sở kế thừa chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” phù hợp trong bối cảnh mới tại các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19.

Định hướng truyền thông, giới thiệu mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, các chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh, cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi tới khách du lịch. Trước hết là truyền thông, quảng bá, thu hút khách góp phần đảm bảo thực hiện thành công Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang). Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước.

Đa dạng các kênh truyền thông như qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến, các kênh truyền thông quốc tế lớn; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch triển khai số hóa các sản phẩm, dữ liệu, điểm đến, ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá dịch vụ, kết nối lại thị trường và cập nhật thông tin phục vụ du khách.

Về vấn đề ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch số, đề án chuyển đổi số trong ngành du lịch giai đoạn 2021-2025 và báo cáo lãnh đạo Bộ. Trong đó tập trung vào hai nội dung then chốt là xây dựng trục liên thông điện tử từ Trung ương đến cơ sở để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển các nền tảng số kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch với người tiêu dùng, khách du lịch. Với vai trò là cơ quan quản lý ở Trung ương, Tổng cục Du lịch sẽ tạo dựng các nền tảng số để các bên liên quan trong ngành từ địa phương, các doanh nghiệp, du khách có thể tham gia kết nối và tương tác, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như kinh doanh du lịch.

Tại diễn đàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chia sẻ về những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khi nỗ lực phục hồi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Các đơn vị cũng thống nhất ý kiến về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, qua đó giúp chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động, cách thức tổ chức các chương trình nghệ thuật biểu diễn, thể thao trong khi vẫn phải duy trì thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh.

Tập trung xây dựng thể chế, thúc đẩy chuyển đổi số, coi đây là khâu đột phá của toàn ngành

Phát biểu tổng kết diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ghi nhận những kết quả ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt được trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Toàn ngành đã nhận sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhận được sự đồng thuận cao từ các ngành, các cấp đã giúp cho cán bộ Ngành nhận thức sâu hơn để toàn ngành có cách tiếp cận mới, nỗ lực, tạo hiệu ứng “vắc-xin tinh thần” để triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu toàn ngành VHTTDL tập trung vào khâu đột phá xây dựng thể chế và thúc đẩy chuyển đổi số (Ảnh: TITC)

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trước ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành tiếp tục đổi mới tư duy, quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh toàn ngành cần tập trung vào công tác tham mưu xây dựng thể chế, chủ động rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để báo cáo, đề xuất Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng hệ thống pháp luật của ngành. Coi đây là khâu đột phá của đột phá mà toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tập trung trong thời gian tới.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Bộ trưởng đặt ra những vấn đề liên quan đến việc số hóa trong các bảo tàng, biểu diễn nghệ thuật trực tuyến, khai thác các nền tảng số, mạng xã hội để mang lại giá trị kinh tế cho các đơn vị, người lao động, phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, phát huy vai trò của địa phương, doanh nghiệp…

Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng chỉ đạo ngành cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch; trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hỗ trợ các địa phương nâng cấp, làm mới sản phẩm du lịch với mục tiêu mỗi một địa phương có một sản phẩm du lịch riêng. Đồng thời, tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, lữ hành, tạo nên các chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách.

Toàn cảnh diễn đàn (Ảnh: TITC)

Tiếp tục tăng cường hiệu quả các nền tảng số xúc tiến quảng bá du lịch; hỗ trợ các chuyển đổi số hoạt động du lịch, số hóa các điểm du lịch đưa lên không gian mạng, tạo lập cơ sở dữ liệu du lịch của ngành. Kết nối và phát huy vai trò của các địa phương, doanh nghiệp có thế mạnh, kinh nghiệm chuyển đổi số trong du lịch như Hạ Long, Hà Nội…

Bộ trưởng cũng đề nghị trong thời gian tới các địa phương kiểm soát tốt được dịch bệnh cần tăng cường kết nối, tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch nhằm phục hồi hoạt động du lịch trở lại. Ngành du lịch tập trung khai thác mạnh thị trường du lịch nội địa, sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép. Tham mưu khẩn trương đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động để có nguồn lực triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển du lịch.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT