Cà Mau: Xây dựng thương hiệu du lịch từ Famtrip
Thông qua chuyến đi, đoàn đánh giá cao tiềm năng và sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Cà Mau những năm gần đây. Ðồng thời, góp ý và gợi mở hướng khắc phục để du lịch Cà Mau nói chung, U Minh nói riêng luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều du khách.
Tham quan rừng U Minh Hạ bằng vỏ lãi để ngắm hệ động thực vật phong phú, đa dạng (ảnh chụp ngày 30/4)
Truyền thông quảng bá du lịch
“Ấn tượng trong tôi là sự nhiệt tình, mến khách và tinh thần cầu thị của người dân, nhờ vậy mà họ đã và đang từng bước chinh phục trái tim của những du khách “khó tính” về với vùng đất U Minh”, anh Trần Trọng Nghĩa, phóng viên báo Pháp Luật chia sẻ.
Dành nhiều sự quan tâm cho “ngành kinh tế tổng hợp” này, anh Nguyễn Tiến Trình, phóng viên báo Tuổi Trẻ, cho rằng: “Du lịch Cà Mau đang có hướng đi đúng, bền vững về lâu dài. Nếu các tỉnh miền Tây có sự trùng lắp sản phẩm du lịch, đi tỉnh này cũng chẳng khác gì tỉnh kia thì Cà Mau do đặc thù địa phương, sự sáng tạo của đội ngũ làm du lịch, không vay mượn của tỉnh bạn để làm của mình nên đã không vấp phải những điều đó”.
Minh chứng rõ nét nhất cho nhận định của anh Tiến Trình chính là năm 2021 này, Cà Mau đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu thông qua chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến năm 2021”. Với chuỗi hoạt động trải dài xuyên suốt cả năm, Cà Mau không chỉ quảng bá, giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất với du khách mà còn thu hút sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp kết nối, mở rộng liên kết hợp tác; thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, khai thác tốt cơ hội, lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Anh Phạm Duy Khanh, chủ khu du lịch Mười Ngọt, giới thiệu sản phẩm mật ong, phấn hoa, sáp ong, nhộng ong... (ảnh chụp ngày 30/4).
Tổ chức hoạt động thu hút khách
Có thể điểm qua những thành công nổi bật của chương trình, mặc dù các chuỗi hoạt động mới chỉ vừa khởi động từ giữa cuối tháng 3 đến nay: thu hút tài trợ hơn 6,1 tỷ đồng; sự kiện lễ hội Nghinh Ông Sông Ðốc đón hơn 10.000 lượt khách; sự kiện “Hương rừng U Minh” đón hơn 11.500 lượt khách… Ðặc biệt là thu hút truyền thông, quảng bá của rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí từ Bắc chí Nam, qua đó, hình ảnh đất và người Cà Mau xuất hiện với tần suất dày đặc trên nhiều kênh khác nhau.
Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Cà Mau Trần Hiếu Hùng phấn khởi: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hầu hết các hoạt động đã giảm quy mô. Từ nay đến cuối năm, chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến năm 2021” còn 3 sự kiện lớn: “Lễ Thượng cờ - Thống nhất non sông tại Cà Mau - Quảng Trị - Hà Nội - Hà Giang” (tổ chức ngày 2/9); Ngày hội Cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau (trong tháng 9); và cuộc thi chạy Marathon với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” (dự kiến ngày 10/10). Hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt để các sự kiện quy mô hơn, thu hút khách du lịch nhiều hơn. Chương trình năm nay chỉ là bước đệm cho chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến năm 2022”. Chúng tôi sẽ duy trì, nâng chất, nâng quy mô chương trình theo từng năm, để từ đó thương hiệu du lịch Cà Mau vươn xa hơn, trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình của du khách”.
Với góc nhìn của người làm báo, anh Trần Trọng Nghĩa nhận định, trong những năm qua, ngành du lịch Cà Mau luôn phát triển theo hướng bền vững. Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, nên trong phát triển du lịch Cà Mau không chú trọng quá nhiều về vấn đề lợi nhuận trước mắt, mà bảo đảm lợi nhuận lâu dài.
Cụ thể, với mục tiêu phát triển tổng thể, đến năm 2025, Cà Mau sẽ đón 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6.000 lượt; đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 22.000 lượt. Riêng năm 2021 này, Cà Mau đặt mục tiêu đón trên 1,8 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 2.600 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 4, Cà Mau đã đón hơn 513.900 lượt khách, đạt 27,6% so với kế hoạch năm 2021 (bao gồm lễ 30/4 và 1/5); tổng thu 728,8 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch năm.
Cũng chính từ những mục tiêu này, thời gian qua, ngành du lịch Cà Mau đã bắt kịp xu hướng chung của du lịch Việt Nam cũng như của thế giới hiện nay là mời các đoàn báo chí, những doanh nghiệp, công ty lữ hành, còn có những blogger, youtuber… tham gia trải nghiệm, giới thiệu các điểm đến, sản phẩm du lịch của Cà Mau để tăng hiệu quả lan toả tới khách du lịch gần xa.
Trình diễn chụp đìa tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ trong chuỗi hoạt động sự kiện Hương rừng U Minh (ảnh chụp ngày 1/5).
Như chuyến khảo sát đoàn Famtrip vừa qua tổ chức đúng vào dịp diễn ra sự kiện “Hương rừng U Minh” đã mang đến cho thành viên đoàn góc nhìn đa chiều về du lịch Cà Mau. Họ khẳng định, ngay khi trở về sẽ có nhiều tác phẩm báo chí “đậm đà” về văn hoá, con người, ẩm thực… nơi đây.Ðây được coi là hoạt động mang lại hiệu quả cao, nhất là trong thời điểm từng bước phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi khi đã trải nghiệm, họ sẽ thấy sản phẩm thực tế và tự tin giới thiệu hoặc chào bán cho khách, bên cạnh đó là kết nối, hợp tác đẩy mạnh xúc tiến giữa các điểm đến…
Ông Trần Hiếu Hùng phấn khởi, qua nhiều năm tổ chức, kết quả cho thấy sau kết thúc Famtrip, thông tin quảng bá du lịch Cà Mau đã được lan toả tích cực, rộng rãi trên cả báo in, báo mạng, truyền hình và các trang mạng xã hội. Ðặc biệt, nhiều đơn vị lữ hành tham gia khảo sát sau chuyến đi đã ký được tour đưa khách về Cà Mau./.
Băng Thanh