Phú Thọ: Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ rừng
Du khách được trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao, Mường sinh sống trong khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Ảnh: ÚT MƯỜI
Nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn trên địa bàn huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, VQG Xuân Sơn có diện tích khoảng 15.000ha, trong đó có hơn 11.000ha diện tích rừng tự nhiên, mật độ che phủ cao. Với nhiều giá trị đặc sắc về mặt cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng, phong phú và những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong VQG là những yếu tố thuận lợi để phát triển một số loại hình du lịch, như: Du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá rừng, núi, hang động, du lịch nghỉ dưỡng, nghiên cứu... Tham gia du lịch cộng đồng tìm hiểu nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của cư dân bản địa, du khách có thể cùng sinh hoạt với người dân địa phương, tham gia các lễ hội truyền thống, các khâu sản xuất trong làng nghề... Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn) cho biết: “Xuân Sơn là xã nằm trong vùng lõi của VQG Xuân Sơn, mô hình du lịch cộng đồng tại xã đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Khai thác du lịch mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, đặc biệt góp phần giúp đồng bào Dao, Mường sinh sống trong khu vực VQG bảo tồn nét văn hóa truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.
Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động du lịch cũng đã và đang tạo ra nhiều thách thức, một số trường hợp còn gây ra tác động tiêu cực đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, giá trị văn hóa bản địa. Rõ rệt nhất là sự gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên, tăng lượng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động tham quan gây ảnh hưởng đến tập tính sinh sống của các loài động vật. Việc bẻ cành, hái hoa, giẫm đạp lên thảm thực vật đã ảnh hưởng đến cảnh quan tại VQG... Đặc biệt, công tác bảo vệ rừng tại VQG Xuân Sơn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Ngày 22/2/2021, Hạt Kiểm lâm Tân Sơn phối hợp với VQG Xuân Sơn tuần tra rừng tại khu Hạ Bằng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, phát hiện một khu vực rừng tự nhiên bị chặt phá (thuộc Khoảnh 4, Tiểu khu 300, rừng đặc dụng do VQG Xuân Sơn quản lý) với diện tích rừng bị chặt phá là 2.799m2. Trong tổng số 46 cây các loại (sung, mò, lá nến, ba gạc, ngát, vàng anh, sồi...) trên diện tích này thì có 30 cây đã bị chặt hạ với tổng khối lượng hơn 4,2m3; 3 cây đã bị tiện gốc với trữ lượng khoảng 2,9m3. Những vụ việc chặt phá rừng như vậy đã đặt ra nhiều thách thức cho VQG Xuân Sơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Xác định công tác quản lý và bảo vệ rừng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ông Phạm Văn Long, Giám đốc VQG Xuân Sơn cho biết, VQG đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã vùng đệm và các cơ quan chức năng trong việc tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn, xử lý các vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng. Trong đó, ký kết quy chế phối hợp với Công an huyện Tân Sơn trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; có quy chế phối hợp với hạt kiểm lâm các huyện: Tân Sơn (Phú Thọ), Đà Bắc (Hòa Bình), Phù Yên (Sơn La) trong công tác bảo vệ rừng; chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; ký giao ước thi đua với 6 xã vùng đệm về bảo đảm an ninh trật tự. VQG cũng chú trọng triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến mọi tầng lớp nhân dân... Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân địa phương và du khách về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tạo được tính lan tỏa rộng rãi đối với mọi tầng lớp nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Xuân Sơn. Thời gian tới, VQG Xuân Sơn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc đánh giá cam kết quản lý, bảo vệ rừng cộng đồng hằng năm, nâng cao đời sống của người dân và gắn quyền lợi của cộng đồng dân cư với nhiệm vụ bảo vệ rừng tại VQG Xuân Sơn...
Ông Trần Văn Giang, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Tân Sơn cho rằng: “Phát triển du lịch tại VQG Xuân Sơn là xu hướng hợp lý, nhưng trong quá trình khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh. Cần chú trọng bảo vệ nguồn nước sạch; thu gom, xử lý rác thải, xây dựng thêm các khu vệ sinh công cộng, tính toán hợp lý sức chịu tải của VQG nhằm hướng đến sự phát triển bền vững... Làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, nhà quản lý mà còn cần sự hợp tác tích cực của người dân và khách du lịch”.