Hoạt động của ngành

Cần Thơ: Du lịch nông nghiệp - cầu nối hội nhập

Cập nhật: 13/12/2021 13:56:36
Số lần đọc: 701
Với đặc thù đô thị sinh thái, sông nước, TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp (DLNN). Thực tế thời gian qua, DLNN đóng góp không nhỏ cho tổng doanh thu của ngành Du lịch thành phố. Việc quy hoạch, phát triển DLNN một cách căn cơ, bền vững được lãnh đạo thành phố và ngành chức năng quan tâm, với mong muốn vừa góp phần phát triển du lịch, vừa quảng bá nét đẹp văn hóa đặc trưng của Cần Thơ đến với du khách trong và ngoài nước.


Xu hướng du lịch

Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng du lịch sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát là tìm về với thiên nhiên, trong đó DLNN sẽ là chủ đạo. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã và đang hình thành 3 mô hình chính trong làm du lịch gắn với nông nghiệp là DLNN dành cho khách tham quan trong ngày, DLNN dành cho khách tham quan và lưu trú, mô hình khu nghỉ dưỡng nhỏ gắn với hoạt động nông nghiệp.

Không khí trong lành, mát mẻ cùng không gian miệt vườn là điểm thu hút của du lịch cồn Sơn (quận Bình Thủy).

Nắm bắt được xu thế này, nhiều doanh nghiệp, cá nhân làm du lịch ở Cần Thơ đang khai thác DLNN như là một “cú hích” trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ông Nguyễn Ngọc Huy, chủ điểm tham quan Tam Giác Mạch farm (phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), cho biết: Sau thành công từ mô hình trồng hoa tam giác mạch để du khách “check-in” dịp Tết năm rồi, ông mạnh dạn đầu tư khu tham quan với đặc trưng nông thôn miền Tây. Với diện tích khoảng 8.000m2, ông Huy chia thành nhiều khu, với nhiều không gian khác nhau như cánh đồng hoa sao nhái; cánh đồng bông điên điển; cảnh sông nước Nam Bộ với ghe xuồng, đặt vó, ao súng; đồi nuôi thỏ... Ông còn đang triển khai không gian trồng lúa và trồng cà chua để du khách có thể trải nghiệm, thưởng thức. Ông Nguyễn Ngọc Huy cho biết: “Du khách rất hào hứng trải nghiệm, tham quan, dù những cảnh trí ấy không quá xa lạ ở miền Tây. Rõ ràng, nông thôn luôn có một vẻ đẹp và sức hút riêng, nếu khai thác tốt sẽ thành sản phẩm du lịch mới”.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền) cũng là điển hình trong việc mạnh dạn đầu tư loại hình DLNN. Bà Huỳnh Thị Bích Tuyền, chủ Mekong Silt Ecolodge, cho biết: Mekong Silt Ecolodge có khoảng 15.000m2, với hai khu cách nhau bởi một con rạch. Khu 1 đã khai thác thành khu nghỉ dưỡng, phòng nghỉ và đang khai thác khu 2 thành không gian trải nghiệm DLNN. Mekong Silt Ecolodge ngoài kiến tạo không gian đồng quê với những cảnh trí đặc trưng còn mang “hồn quê” vào sản phẩm du lịch. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm giăng lưới, cắm câu, đặt trúm, đặt lờ hay trồng lúa, chơi trò chơi dân gian ngay trên đồng ruộng, vườn trái cây... “Sau dịch bệnh, xu hướng du lịch của nhiều người là tìm về thiên nhiên, nông thôn để giải khuây, tận hưởng. Chúng tôi đầu tư DLNN tuy không phải mới nhưng sẽ có những sản phẩm khác biệt”, bà Tuyền chia sẻ.

Còn với du lịch cộng đồng cồn Sơn, quận Bình Thủy, những năm qua, DLNN trở thành sản phẩm chủ đạo, đặc trưng. Ðể đón khách tham quan sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các nhà vườn đã nghĩ ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn, trong đó, đưa du khách hòa mình với thiên nhiên, khung cảnh đồng quê.

Phát triển DLNN bài bản

Sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 1-8-2016 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, du lịch Cần Thơ phát triển khá nhanh, bền vững. Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020, toàn thành phố đón trên 35 triệu lượt khách, trong đó có hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ ngành Du lịch đạt khoảng 16,1 ngàn tỉ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 19,5%.

Trong đó, tiềm năng và lợi thế DLNN của TP Cần Thơ đang được khai thác khá hiệu quả. Theo thống kê, TP Cần Thơ hiện có hơn 60% diện tích vùng ngoại thành, được bao quanh bởi hệ thống sông, rạch chằng chịt, là tài nguyên phong phú cho DLNN. Thực tế thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều điểm nhà vườn làm du lịch, nổi bật ở huyện Phong Ðiền, quận Bình Thủy, quận Cái Răng và quận Thốt Nốt.

Kết quả cuộc khảo sát do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp Công ty Dịch vụ Vòng Tròn Việt mới đây, cho thấy các điểm du lịch nhà vườn có thu nhập cao hơn nhà vườn chỉ làm vườn khoảng 30%. Ðiển hình nhất là du lịch cộng đồng cồn Sơn, quận Bình Thủy, có 47 hộ làm du lịch, doanh thu của mỗi hộ từ 15-17 triệu đồng/tháng, tăng gấp hơn 5 lần so với lúc chưa làm du lịch. Bà Phan Kim Ngân, người dân làm du lịch ở cồn Sơn, xác nhận: “Từ khi làm du lịch, đời sống gia đình được cải thiện hơn. Có thu nhập từ làm du lịch, gia đình tôi lại có điều kiện tu bổ, chỉnh trang vườn tược, nhà cửa, đầu tư các sản phẩm trải nghiệm dân dã... để phục vụ du khách tốt hơn”.

Tái hiện nét đẹp nông thôn tại điểm tham quan Tam Giác Mạch farm (quận Cái Răng).

Với lợi thế này, nhất là để DLNN của TP Cần Thơ phát triển bài bản, căn cơ, UBND TP Cần Thơ đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Ðề án “Phát triển DLNN trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Mục tiêu của đề án là khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên nông nghiệp, hướng dẫn các hoạt động triển khai cụ thể giúp nâng cao sức cạnh tranh của loại hình DLNN. Từ đó, TP Cần Thơ đặt mục tiêu tiến tới phát triển DLNN theo hướng sinh thái bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành Du lịch.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, phát triển DLNN gắn với loại hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm đặc trưng địa phương, có ý nghĩa nhiều mặt như tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Ðây cũng là cầu nối để quảng bá, hội nhập văn hóa qua con đường du lịch. Với kinh nghiệm thực hiện Dự án “Phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại TP Cần Thơ”, PGS.TS. Ðào Ngọc Cảnh (Trường Ðại học Cần Thơ), cho rằng tác động này là quá trình diễn ra hai chiều: Một mặt là kênh quảng bá hữu hiệu hình ảnh địa phương và đất nước ra thế giới; mặt khác, du lịch thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế thông qua giao tiếp và nắm bắt tâm lý, thị hiếu của du khách trong quá trình phục vụ du lịch.

Theo ông Cảnh, để phát triển DLNN, du lịch cộng đồng hiệu quả, cần có các giải pháp cụ thể, đầu tiên là nâng cao nhận thức cho người dân và các cấp lãnh đạo địa phương về du lịch cộng đồng. Kế đến là phát triển nhân lực du lịch địa phương, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tăng tính liên kết giữa các hộ làm DLNN và đặc biệt, chú trọng việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch theo quan điểm phát triển du lịch bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: Là cơ quan được giao lập Ðề án “Phát triển DLNN trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp các ngành tiến hành đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển DLNN của TP Cần Thơ. Trên cơ sở đó, khảo sát, đề xuất mô hình DLNN phù hợp; đồng thời, đề xuất các chính sách, giải pháp và kế hoạch phát triển DLNN. Mục tiêu khi thực hiện đề án là DLNN tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cho toàn ngành Du lịch phù hợp tình hình mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bài, ảnh: Duy Khôi

 

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục