Cần Thơ: Thốt Nốt định hướng phát triển du lịch bền vững
Ðoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HÐND thành phố và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát tại vườn nho thân gỗ thầy Thống.
Tiềm năng và khó khăn
Một trong những điểm đến được nhiều du khách biết đến của Thốt Nốt trong những năm qua là cù lao Tân Lộc (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt). Cù lao Tân Lộc có diện tích khoảng 3.268ha, trong đó phần lớn là diện tích vườn cây ăn trái, nổi tiếng với các đặc sản: mận, ổi, xoài... Tại đây có nhiều nhà vườn làm du lịch, như: vườn dừa Tân Lộc, vườn ổi cô Ðiệp, vườn chôm chôm Út Trác, vườn mận Sáu Tia, vườn du lịch sinh thái Tân Lộc, vườn nho thân gỗ thầy Thống...
Cù lao Tân Lộc được đánh giá giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Vì vậy, trong Ðiều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng có xác định cù lao Tân Lộc là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía Tây của thành phố. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch tại đây vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thực tế, các điểm vườn tại cù lao Tân Lộc còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, sản phẩm và dịch vụ du lịch dễ trùng lắp, chưa hình thành được nét đặc trưng. Các hoạt động chỉ dừng lại tham quan vườn cây, hát karaoke, câu cá, chèo ghe. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch nơi đây vẫn còn rất yếu kém, đặc biệt về giao thông. Việc đưa khách đến cù lao Tân Lộc vẫn còn phụ thuộc vào lịch trình của phà chở khách Thốt Nốt - Tân Lộc và phà ở đây cũng hạn chế về tải trọng, số lượng.
Là chủ một trong những nhà vườn lâu năm làm du lịch tại cù lao Tân Lộc, bà Lê Hồng Ðiệp, vườn ổi cô Ðiệp, cho biết: “Mỗi năm, vườn tôi có vài ngàn khách đến tham quan, nhưng từ dịch COVID-19 đến nay thì tỷ lệ khách đã giảm 50%. Thêm vào đó, đường giao thông hiện đang được thi công, nên cũng không thuận tiện cho du khách. Hiện nay vườn đón khách rất ít, chỉ 400-500 khách/năm”. Trong khi đó, ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ thầy Thống, cho biết: “Cù lao Tân Lộc có lợi thế với các vườn cây, môi trường trong lành, người dân thân thiện nên làm du lịch sinh thái, cộng đồng rất phù hợp. Tuy nhiên, muốn du lịch phát triển thì không thể mạnh ai nấy làm, phải có sự đầu tư, hợp tác cùng nhau hình thành sản phẩm. Mình phải tạo được nhiều sản phẩm đặc trưng, khác biệt, nhiều trải nghiệm thì du khách mới đến”.
Không chỉ cù lao Tân Lộc, tại Thốt Nốt còn có các tài nguyên cho du lịch rất đặc trưng là vườn cò Bằng Lăng và làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thế quốc gia). Tuy nhiên, hiện các điểm này cũng gặp khó trong phát triển du lịch. Anh Nguyễn Không Lo, chủ vườn cò Bằng Lăng, cho biết: “Sau dịch bệnh, lượng khách trở lại rất ít, chỉ vài chục khách trong tuần. Hiện chúng tôi cũng đang gặp khó trong việc duy trì vườn cò. Vấn đề đáng báo động là môi trường nước đang ô nhiễm, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc cò ở lại. Thêm vào đó, đường vào điểm đến cũng khó khăn nên khách cũng ít đi đến”. Còn cô Hà Thị Sáu, một gia đình làm bánh tráng lâu năm ở Thuận Hưng, nói: “Khách biết đến là nhờ những lần địa phương hỗ trợ chúng tôi đi quảng bá, trình diễn ở các lễ hội bánh dân gian, sự kiện văn hóa du lịch. Còn khách du lịch đến chỗ chúng tôi thì ít lắm vì đường đi vào khó, đa phần là các công ty du lịch họ đưa khách đến, chủ yếu là khách quốc tế. Nhưng mấy năm dịch bệnh thì rất khó khăn, không có khách”.
Ðịnh hướng phát triển bền vững
Thốt Nốt được định hướng sẽ phát triển hai loại hình du lịch chủ lực là du lịch đường sông và du lịch nông nghiệp. Trong đó, cù lao Tân Lộc có định hướng cụ thể với đề án Phát triển du lịch Tân Lộc (đề án). Theo đó, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đưa Tân Lộc trở thành một trong những điểm đến trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng hấp dẫn của Cần Thơ. Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc được xác định cụ thể như sau: hình thành khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin về du lịch cù lao; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam của cù lao. Trong đó, tại khu vực đầu phía Bắc của cù lao phát triển theo mô hình sinh thái, dân dã của làng quê sông nước, còn khu vực phía Nam của cù lao phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao. Do đó, Thốt Nốt đang kêu gọi đầu tư nhiều hạng mục tại đây, như: hệ thống bến bãi, nhà trung chuyển, xây dựng các sản phẩm đặc trưng.
Vườn cò Bằng Lăng.
Ông Huỳnh Công Thống, chủ vườn nho thân gỗ thầy Thống, bày tỏ: “Mỗi nhà phải tạo được sản phẩm riêng sau đó hình thành nên chuỗi sản phẩm đặc trưng cho cù lao Tân Lộc. Sắp tới, tôi cũng mở rộng vườn cây trồng thêm nhiều cây giống mới lạ để tạo điểm nhấn cho vườn”. Còn bà Lê Hồng Ðiệp, chủ vườn ổi cô Ðiệp, cho biết: “Hiện tôi trồng thêm vú sữa hoàng kim để vườn có thêm trái cây để du khách trải nghiệm. Tôi cũng có kế hoạch vay vốn để đầu tư thêm một số dịch vụ. Về khâu quảng bá thì cần địa phương hỗ trợ nhiều hơn để tiếp cận đến thị trường du khách”. Trong khi đó, anh Nguyễn Không Lo, chủ vườn cò Bằng Lăng, nói: “Gìn giữ môi trường để cò ở vườn là vấn đề cấp bách hiện nay nên tôi kiến nghị địa phương có những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Chúng tôi cũng mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để có thể đầu tư nhiều dịch vụ cho khách trải nghiệm”.
Thực tế, trong Quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, có định hướng quy hoạch Cảng thủy nội địa trên sông Hậu, cách cù lao Tân Lộc khoảng 3km, để phục vụ cho hoạt động phát triển du lịch địa phương, nhất là du lịch đường sông. Ngành Du lịch thành phố cũng đã định hướng xây dựng tuyến Ninh Kiều - cù lao Tân Lộc là một trong hai tuyến du lịch đường sông chính của địa phương. Theo đó, Sở Giao thông vận tải cũng đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Ðầu tư tham mưu UBND thành phố xây dựng danh mục các dự án giao thông vận tải để mời gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025, trong đó có dự án tuyến buýt đường thủy Ninh Kiều - cồn Ấu - cồn Sơn - cù lao Tân Lộc. Về đầu tư, cù lao Tân Lộc cũng là một trong các dự án về du lịch được thành phố kêu gọi đầu tư.
Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Chúng tôi cùng các sở, ngành hữu quan đã khảo sát để đánh giá thực trạng và tìm những giải pháp để gỡ khó cho địa phương trong đầu tư phát triển du lịch. Trong đó đặc biệt là các cơ chế, chính sách đối với du lịch nông nghiệp và du lịch đường sông. Hiện, Sở đang tham mưu UBND thành phố trình HÐND thành phố ban hành nghị quyết về các cơ chế chính sách này, mục tiêu làm sao để các địa phương phát huy được tiềm năng du lịch, xây dựng các sản phẩm đặc trưng”.
Bài và ảnh: Ái Lam