Cơ hội mới cho phát triển du lịch rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng (Quảng Ninh)
Đi bộ trong lòng rừng, khám phá cây cỏ, muông thú thiên nhiên... là trải nghiệm thực sự rất thú vị.
Ông Vũ Văn Mỳ, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, cho biết: Khi khai thác giá trị về khía cạnh du lịch của Đồng Sơn - Kỳ Thượng thì các giá trị về diện tích, tính đa dạng sinh học ở đây cũng chính là tài nguyên, thế mạnh để thúc đẩy, phát triển du lịch. Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích hiện tại hơn 15.600ha, lộ trình đến năm 2021 đạt gần 20.000ha, lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam. Nơi đây đa dạng sinh học với hệ động, thực vật phong phú, bao gồm 1.163 loài thân gỗ và thân thảo, 224 loài động vật thuộc 4 lớp chim, thú, bò sát và lưỡng cư, trong đó 51 loài động, thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 1 loài ghi Sách đỏ thế giới. Đặc biệt Đồng Sơn - Kỳ Thượng sở hữu 2 loại động vật đặc hữu quý hiếm là thằn lằn cá sấu và cá lóc Việt Nam.
Thực tế việc đi bộ hay xe đạp trong lòng rừng, khám phá, nghiên cứu cây cỏ, muông thú thiên nhiên, tận hưởng không gian khoáng đạt, không khí trong lành, hoà mình vào đất trời... thực sự rất thú vị đã được các nước trên thế giới và một số nơi trong nước chú trọng đầu tư phát triển. Rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng với những giá trị nền tảng đang có kết hợp với đầu tư mới, hoàn toàn có thể phát triển các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, dã ngoại...
Đồng Sơn - Kỳ Thượng còn có đỉnh Thiên Sơn cao 1.090m so với mặt nước biển, cao hơn đỉnh núi Yên Tử. Từ đây có thể phóng tầm mắt tới trung tâm đô thị Hạ Long, di sản thế giới Vịnh Hạ Long, vùng đảo Cát Bà của TP Hải Phòng và xa hơn. Đỉnh Thiên Sơn cũng chiếu thẳng tới đỉnh núi Mằn và núi Bài Thơ, 2 đỉnh núi cao trong vùng vịnh Cửa Lục và có giá trị về lịch sử, văn hóa, đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia.
Với địa thế hiếm có của núi Thiên Sơn, được biết gần đây đã có doanh nghiệp đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng cáp treo từ Thiên Sơn nối với núi Mằn, núi Bài Thơ... đưa du khách từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia bằng cáp treo. Ông Nguyễn Huy Hải, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, người dân trên địa bàn cũng đang chuẩn bị các điều kiện để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, đón trước xu thế 2 địa phương Hạ Long, Hoành Bồ sáp nhập với nhau cũng như chiến lược chú trọng khai thác Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng của TP Hạ Long sau sáp nhập.
Có thể thấy khi Hoành Bồ, Hạ Long sáp nhập, phát triển du lịch rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng không còn là tiềm năng mà đã trở thành thế mạnh hiện hữu. Tuy nhiên, việc này cần phải được đầu tư một cách tương xứng, từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông đến quảng bá hình ảnh, hình thành các tour, tuyến, điểm du lịch, nâng cao nhận thức của người dân, xúc tiến đầu tư từ các doanh nghiệp...