Đền thờ Bác Hồ - những địa chỉ đỏ ở miền Tây Nam Bộ
Đông đảo nhân dân đến dâng hương viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại đền thờ Người tại xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ (Hậu Giang).
Chúng tôi về lại Viên An theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi xe vừa qua cầu Năm Căn bắc ngang sông Cửa Lớn đã thấy khu đền thờ Bác Hồ uy nghi, trang trọng. Đây cũng là một trong những đền thờ Bác được xây dựng sớm nhất ở tỉnh Cà Mau trong kháng chiến, bất chấp mưa bom, bão đạn.
Lòng dân nhớ Bác
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hay tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nhân dân trong vùng tiếc thương vô hạn. Ngày 10/9/1969, tại rạch Ông Bọng, xã Viên An (Cà Mau), Đảng bộ và quân dân địa phương đã chung tay dựng đền thờ Bác Hồ bên bờ một ngã ba sông, dưới tán rừng đước. Trước đền có sân rộng để mọi người hành lễ.
“Dù chỉ cách đồn giặc khoảng hai cây số, nhưng từ năm 1969 cho đến ngày giải phóng, đền thờ Bác Hồ ở Viên An tuyệt đối an toàn, giặc không dám bén mảng vì nhân dân địa phương thề quyết tử để bảo vệ đền thờ Bác”, ông Nguyễn Hoàng Ở, một trong những nhân chứng trực tiếp tham gia xây dựng đền thờ Bác Hồ kể lại.
Trong kháng chiến, tại Sóc Trăng, đồng bào các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa luôn tôn kính Bác Hồ và xem Người như là nguồn sức mạnh tinh thần. Về huyện Cù Lao Dung, vùng đất trung dũng trong đấu tranh chống quân xâm lược của tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi ghé thăm đền thờ Bác Hồ tại xóm 6, ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Đông, nơi được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận Di tích lưu niệm danh nhân cấp quốc gia từ năm 2001.
Sau ngày Bác Hồ mất, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng đã quyết định xây dựng và giữ gìn đền thờ Bác Hồ lâu dài tại Cù Lao Dung. Thời gian thi công bắt đầu từ ngày 3/2/1970 nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng, cũng là lúc diễn ra những vụ càn quét, đánh phá khốc liệt của quân thù. Vì vậy, những người thợ và nhân dân trong vùng phải phân tán nhỏ lực lượng làm cả ngày lẫn đêm để thực hiện nhiệm vụ và cố gắng hoàn thành sớm để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Xuất phát từ lòng kính yêu Bác Hồ, nhân dân địa phương không quản khó khăn, nguy hiểm để ngôi đền hoàn thành đúng sinh nhật lần thứ 80 của Bác (19/5/1970).
Sau khi đền được xây dựng xong, bọn địch nhiều lần đến quấy phá, tìm cách tháo dỡ, nhưng với sự mưu trí và dũng cảm, người dân địa phương đã giữ được. Trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, Khu di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ tại Cù Lao Dung tồn tại trên diện tích rộng 2,2ha với các hạng mục như: nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội, sân lễ, ao sen, tường rào, đường nội bộ, cây xanh...
Ở Hậu Giang, khi hay tin Bác Hồ mất, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã bàn bạc, đi đến quyết định xây dựng đền thờ Bác tại ấp 3, xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Sống trong mưa bom bão đạn của địch, đền thờ phải nhiều lần di dời, nhưng quân và dân Hậu Giang một lòng hướng về Bác, đến viếng và tổ chức các ngày kỷ niệm hằng năm như sinh nhật Bác, lễ giỗ, Tết Nguyên đán… Sau hòa bình, đền thờ Bác được trùng tu, tôn tạo mở rộng phần đền thờ chính nhằm phục vụ nhân dân các vùng lân cận đến viếng trong các dịp lễ, Tết; và được công nhận Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2000.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 7 trong số 13 tỉnh, thành phố xây dựng hơn 30 đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Cà Mau, từ trong kháng chiến đến ngày giải phóng, có đến 23 đền thờ Bác Hồ. Đền thờ Bác được xây cất, bảo vệ rất nghiêm cẩn, được xem là “mệnh lệnh” của trái tim, của lòng dân đồng bằng sông Cửu Long kính yêu Người. Sau Ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các đền thờ Bác Hồ được tu bổ, phục dựng thành hệ thống các đền thờ Bác Hồ khang trang hơn.
Sáng mãi ngọn lửa soi đường
Trong chiến tranh, lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh biến thành sức mạnh tinh thần để người dân ở đồng bằng sông Cửu Long đánh thắng kẻ thù xâm lược. Ngày nay, lòng kính yêu ấy còn được thể hiện bằng việc quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày thêm phát triển.
Đồng chí Hồ Trung Việt, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau khẳng định, các đền thờ, phủ thờ Bác Hồ ở Cà Mau là tình cảm, sự tôn kính của người dân đối với Bác Hồ; đã trở thành biểu tượng sức mạnh tinh thần, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt trong lòng dân. Các đền thờ Bác còn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ, lan tỏa các phong trào rèn luyện, học tập và làm theo Bác để chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu, đẹp.
Vào mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, đền thờ là nơi Đảng bộ, quân và dân Cà Mau tề tựu về, tự soi, tự sửa để ngày càng tiến bộ hơn. Hiện nay, đền thờ Bác Hồ là “ngọn lửa thiêng” lan tỏa truyền thống cách mạng của Đảng bộ, nhân dân Cà Mau. Những ngày lễ lớn, địa phương đều tổ chức các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống và báo công dâng Bác.
Năm 2022, Cù Lao Dung kỷ niệm 20 năm thành lập huyện, đền thờ Bác Hồ là một trong những công trình phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng nói chung và huyện Cù Lao Dung nói riêng, cùng chung tay xây dựng và phát triển quê hương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Cù Lao Dung đạt 53 triệu đồng/năm (tăng hơn 3 lần so năm 2002); cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Huyện có 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,98% so năm 2002 là gần 27,59%; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên; diện mạo từ thị trấn đến nông thôn có sự thay đổi rõ rệt, khởi sắc; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chuyển biến tích cực.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, Trần Minh Lý chia sẻ, đền thờ Bác Hồ là nơi để tưởng nhớ công ơn to lớn của vị Cha già dân tộc. Ngày nay, đền thờ Bác Hồ ở huyện Cù Lao Dung trở thành trung tâm giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống đạo đức, văn hóa quý báu, mang tính nhân văn cao cả, tốt đẹp của dân tộc ta cho thế hệ trẻ và nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là điểm đến quan trọng cho du khách tham gia tour du lịch về nguồn tìm hiểu truyền thống bất khuất của ông cha trong kháng chiến.
Nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, năm 2019, tỉnh Hậu Giang tiếp tục mở rộng đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ với dự án xây dựng công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử đền thờ Bác Hồ, trên diện tích đất xây dựng hơn 35.000m2, với các hạng mục: ao sen, sân trưng bày, nhà điều hành, chòi nghỉ, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội…
Các ngày kỷ niệm lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đều tổ chức dâng hoa viếng Bác, lễ báo công dâng Bác… Hằng năm, có gần 40.000 lượt người đến đền thờ viếng Bác. Sau thời gian tạm đóng cửa do dịch Covid-19, đền thờ Bác Hồ tại Hậu Giang đã mở cửa trở lại với nhiều hoạt động thiết thực của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, như: tổ chức về nguồn, sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,… Số người các vùng lân cận về đây viếng Bác ngày một tăng lên.
Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã Lương Tâm đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm, điển hình. Trước anh linh của Người, cứ sau một quý sẽ tổ chức sinh hoạt ở đền thờ Bác Hồ. Thông qua mô hình này, giúp mỗi cán bộ đảng viên, nhân viên của xã nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.
Đền thờ Bác Hồ có sức sống mãnh liệt trong tâm thức của người Việt Nam nói chung, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Lòng tôn kính Bác đã trở thành giá trị văn hóa được trao truyền từ đời này sang đời khác, có sức sống bền lâu, đã và đang được phát huy thành nguồn lực, sức mạnh tinh thần để người dân đồng bằng sông Cửu Long thực hiện lời dạy của Bác, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng tiến bộ, giàu mạnh.
Thanh Phong, Hữu Tùng, Phùng Dũng