Non nước Việt Nam

Tháp cổ giữa nắng gió Phan Rang

Cập nhật: 13/05/2022 11:11:38
Số lần đọc: 1091
Từ dưới chân đồi Trầu nhìn lên, tháp Pô Klong Garai sừng sững giữa nắng vàng rực rỡ của vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm. Không chỉ là không gian tâm linh, văn hóa của đồng bào, cụm đền tháp này còn là một di sản quý giá, lưu dấu lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc Chăm còn nguyên vẹn nhất trong nước đến ngày nay.


Khi chạm tay vào bức tường vững chắc với mầu gạch nung đỏ sẫm của tháp Pô Klong Garai, chẳng ai nghĩ những ngọn tháp đứng vút cao giữa bầu trời Ninh Thuận này có tuổi đời tới tám thế kỷ, thách thức nắng gió ở vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt nhất cả nước này.

Nằm trên đỉnh ngọn đồi Trầu, tháp Pô Klong Garai nổi bật khắp một vùng với vẻ uy nghi, hùng vĩ. Cho đến nay, đường đến tháp Pô Klong Garai là con đường hành hương linh thiêng, không gian tâm linh của người Chăm tại Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung. Suốt 800 năm qua, đây vẫn là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống như lễ cúng mở cửa tháp, lễ cầu mưa, lễ hội Katê…, quy tụ và gắn kết cộng đồng người Chăm cũng như trở thành điểm đến hấp dẫn của vùng đất Ninh Thuận, để du khách thập phương được giao lưu, trải nghiệm văn hóa.

Không chỉ có vậy, cụm đền tháp Pô Klong Garai còn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, một trong những cụm tháp Chăm đẹp nhất cả nước với quần thể ba tháp, gồm tháp Cổng, tháp Lửa và tháp Chính. Qua lời giới thiệu của thuyết minh viên là con em dân tộc Chăm đang sinh sống tại Ninh Thuận, hình ảnh của nền văn minh rực rỡ một thời đã tới gần hơn với du khách, từ kỹ thuật xây dựng chất liệu gạch đá độc đáo, những hoa văn chạm trổ tinh tế, sắc sảo, tư liệu quý với những chữ viết cổ chạm khắc công phu trên tháp, những phù điêu, linh vật thiêng liêng như thần Siva, tượng vua Pô Klong Garai, tượng bò thần Nandin…

Dưới chân đồi, không gian trưng bày hé lộ thêm những hình ảnh văn hóa dân tộc Chăm thể hiện qua những hình ảnh, hiện vật, làng nghề truyền thống như nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm. Sau một hành trình chiêm ngưỡng các tuyệt tác vô giá mà người Chăm để lại cho hậu thế, du khách có thể cảm nhận được sự trân trọng, tự hào của những người dân Ninh Thuận với di sản được trao truyền trên mảnh đất cha ông.

Bài và ảnh: Nguyễn Lê

 

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn -Ngày đăng 13/5/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT