Non nước Việt Nam

Đền Trần Thương - Điểm đến du lịch văn hóa tâm linh

Cập nhật: 19/11/2020 09:28:46
Số lần đọc: 917
Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, quân sự, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, tâm linh, du lịch.


Lễ hội đền Trần Thương

Đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thờ vị anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai vào thế kỷ XIII.

Nét đẹp kiến trúc nghệ thuật ngôi đền thiêng 

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc kiệt xuất, văn võ toàn tài, được vua Trần phong Quốc công Tiết chế, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc Nguyên-Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt.

Tương truyền rằng, trên đường đánh quân Nguyên-Mông, bằng nhãn quan của nhà quân sự, nhà chính trị lỗi lạc, Trần Quốc Tuấn chọn đất Trần Thương lập sáu kho lương (khu vực đền Trần Thương là kho lương chính) để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285). Địa thế nơi đây rất thuận tiện cho việc vận chuyển, tích trữ lương thảo của triều đình. Khi chiến thắng trở về,Trần Quốc Tuấn đã mở kho lương tổ chức khao quân và nhân dân mừng chiến thắng.

Sau khi Hưng Đạo Đại Vương qua đời, để tưởng nhớ công ơn của ngài, vào thời hậu Lê năm 1783, nhân dân làng Miễu đã lập đền trên đất kho lương ấy để thờ phụng. Đền Trần Thương trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh, là "Cửu Thiên Vũ Đế" từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã. 

Lễ tưởng niệm 717 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. 

Cùng với các giá trị về lịch sử, quân sự, Đền Trần Thương còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật mang đậm nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Đền có kiến trúc độc đáo theo tư duy phong thủy. Không gian tổng quan của đền Trần Thương có sự kết hợp hài hòa giữa phong thủy hữu tình, trời mây, sông nước.

Đền được xây dựng theo hình chữ Quốc vuông vắn, trên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng” và xây theo kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, năm tòa, 15 gian, chia thành ba cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và hai giải vũ, năm giếng… tạo nên những điểm độc đáo riêng có của ngôi đền.

Đền có cửa chính cao hai tầng, tầng dưới uốn thành hình vòm trang trí hoa văn chung quanh. Tầng trên là gác chuông tám mái, treo một quả chuông lớn dùng để truyền tín hiệu cho vùng xung quanh. 

Con đường chạy vòng quanh là hai tay ngai, bên Đông, bên Tây còn có hai giếng nước được gọi là hai “tai”. Nền trước cung Đệ tam có một giếng tròn mà dân gian gọi là “hố”, “khẩu”. Tất cả cấu trúc của đường, giếng tạo nên thế đất thiêng “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.

Theo thứ tự từ ngoài đền vào trong, cung đầu tiên là cung Đệ tam, là nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách. Cung Đệ tam được xây dựng theo lối chồng rường, hai đầu xây bít đốc dật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”. 

Tiếp đến là cung Đệ nhị, ban giữa thờ bá quan văn võ Trần Triều và gia tộc của Đức Thánh Trần, hai bên tả và hữu thờ quan Bắc Đẩu và quan Nam Tào. Cung Đệ nhị gồm năm gian, được xây cao hơn cung Đệ tam, lợp ngói ống cung đình đời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán. 

Cung cuối cùng là cung Đệ nhất (hay còn gọi là Cung cấm). Ban giữa cung Đệ nhất thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm ba cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy. 

Đền Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở phần trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời… tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm hàm chứa triết lý dân gian. 

Cùng với vẻ đẹp về công trình kiến trúc độc đáo, linh thiêng, đền Trần Thương còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá…và chiếc kiếm bạc có vỏ làm bằng đồi mồi rất quý, chỉ được đưa ra thờ vào những ngày lễ hội.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần Thương là Di tích Quốc gia đặc biệt. 

Độc đáo Lễ hội phát lương đền Trần Thương

Cùng với giá trị lịch sử - văn hoá, đền Trần Thương còn mang đậm giá trị văn hoá tâm linh thông qua lễ hội. Lễ hội đền Trần Thương hằng năm được nhân dân mở từ ngày 20-8 Âm lịch đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người dân Hà Nam nói riêng và du khách thập phương nói chung.

Trong lễ hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa dân gian, tục thi đặc sắc, độc đáo nhất là lễ rước nước và thi bơi chải trên sông. Các nghi thức trên vừa mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, “Phong đăng, hòa cốc”, “Quốc thái dân an”, nhắc nhở đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời gợi nhớ nguồn gốc của dòng tộc nhà Trần vốn quen nghề sông nước.

Tại lễ hội, nhân dân còn tổ chức “Diễn sướng Thanh đồng”, một lễ nghi đặc sắc có từ lâu đời của đền Trần Thương với sự tham gia đông đảo của các “cơ cánh” đến từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Lễ hội đền Trần Thương là một trong ba lễ hội vùng của tỉnh Hà Nam. Lễ hội này có ý nghĩa là một cuộc hành hương về cội nguồn không chỉ đối với người dân địa phương mà đối với người dân cả nước.

Với tâm nguyện bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh tốt đẹp, giáo dục các tầng lớp nhân dân yêu nước, từ năm 2010, Lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng. Đây là một trong những lễ hội lớn và độc đáo của tỉnh Hà Nam. 

Nhân dân nhận lương Đức Thánh Trần. 

Lễ hội được tổ chức ngay tại ngôi đền chính là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông thế kỷ thứ XIII. 

Nghi trình lễ phát lương được thực hiện bài bản theo ba phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ do bảy cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội bảy mâm đựng những túi lương nhỏ, chín chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá cũng màu đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt ba túi lương lớn (bên trong chứa hàng nghìn túi lương nhỏ).

Đi đầu đoàn rước là đội sư tử dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, bảy mâm lương thảo, đội tế nam, đội tế nữ của xã, đoàn đại biểu, nhân dân và du khách thập phương.

Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba là bảy cô gái, chín chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Người dân địa phương cho biết, hai chữ in trên túi lương là chữ Hán mang nghĩa “Trần Thương”. Túi được làm bằng vải điều, màu đỏ tượng trưng cho Hỏa. Màu vàng của chữ tượng trưng cho Thổ. Bên trong túi gồm các loại ngũ cốc là sản vật của vùng quê Nhân Đạo, đó là nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ.

Ý nghĩa về giá trị tinh thần của lễ phát lương được thể hiện qua từng túi lương, theo quan niệm của người dân là cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, đón linh khí trời đất, cầu cho một năm sung túc, nhà nhà no đủ, hạnh phúc.

Người dân bản địa và du khách thập phương dự lễ phát lương Đức Thánh Trần, xuân Kỷ Hợi 2019.

Đặc biệt, Lễ phát lương Đức Thánh Trần được tổ chức vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hằng năm, tái hiện lại cảnh " Khao quân" của quân đội nhà Trần với những nghi thức truyền thống, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Túi lương là lộc ban - cũng là lời nguyện của Đức Thánh Trần phù hộ cho một năm Quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Lễ hội đền Trần Thương và Lễ phát lương Đức Thánh Trần đã trở thành nét văn hóa đẹp, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; đồng thời thể hiện khát vọng chân chính, thiêng liêng mãi mãi được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh đặc sắc, năm 2017 Lễ hội đền Trần Thương đã được ghi danh vào mục di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia.

 
ĐÀO PHƯƠNG
Nguồn: NDĐT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT