Non nước Việt Nam

Đền thờ Ân sư tiền vãng ở Bến Tre

Cập nhật: 18/11/2020 10:35:54
Số lần đọc: 1605
Đền thờ Ân sư tiền vãng còn gọi là miếu “Tiên sư” hay nôm na là đền “Thờ thầy”, định vị tại tọa độ: 10°14’15,5”N, 106°22’38,0”E, trong khuôn viên trường Tiểu học Phú Thọ, mặt tiền giáp với đường Nam kỳ khởi nghĩa, nằm trong khu vực các trường phổ thông cận kề nhau có trên 3 ngàn học sinh đang theo học, thuộc phường An Hội, TP. Bến Tre.

Đền thờ Ân sư tiền vãng. Ảnh: Nguyễn Sự

Nơi lưu danh 350 nhà giáo

Hai bên trụ cổng ra vào của đền có ghi hai câu đối, giống như chữ nho, nhưng là chữ quốc ngữ: “Ân sư giáo hóa tơ tầm vướng/ Nghĩa đệ phụng từ ánh nến cao”. Hiện chưa biết ai là tác giả. Cũng từ hai phía cổng một bên ghi “Kỷ dậu”, bên kia ghi “1969”. Chính vì vậy, có nhiều người suy đoán rằng đền xây năm 1969.

Thật ra, theo các nhà giáo cao niên, đền đã có từ trước, do thầy Nguyễn Văn Trinh (1901 -1975) là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học công lập Kiến Hòa, tiền thân Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu ngày nay, đã quyên góp xây dựng từ năm 1956. Thời ấy, đền thờ được xây dựng bằng gỗ, mái lợp ngói, nền tráng xi-măng cao ráo, kiến trúc theo lối đền thờ xưa, tôn nghiêm. Năm Kỷ dậu 1969, ông Mai Thọ Truyền (1905 - 1973), quê xã Long Mỹ (Giồng Trôm) lúc bấy giờ là Quốc vụ khanh - Đặc trách Văn hóa (1968 - 1973) của chính quyền Sài Gòn, đã cấp kinh phí, ông Nguyễn Văn Thiêm - Trưởng ty Tiểu học Kiến Hòa (1910 - 1986) đã kêu gọi quyên góp thêm từ phụ huynh và học sinh, đứng ra trùng tu đền và cho ghi: Kỷ dậu - 1969.  Đến năm 1999, đền được UBND tỉnh cho nâng cấp, lát gạch nền và hàng năm đều được tu sửa, sơn phết lại vào các dịp lễ, Tết.

Bên trong đền có 1 bức biển gỗ rộng được đặt ngang chính diện, là bảng lưu danh 350 nhà giáo mà trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là tên được đặt ngay giữa và lớn nhất. Hai bên là hai tấm biển nhỏ lưu danh 16 nhà giáo liệt sĩ và 10 nhà giáo từng tham gia kháng chiến từ trần, được thỉnh vào sau năm 1975. Ngoài ra, phía bên trái có treo một tấm ảnh chân dung, dưới ảnh có ghi: “Thầy Nguyễn Văn Trinh (1901 - 1975), Hiệu trưởng đầu tiên của Trường THCL Kiến Hòa - Bến Tre từ năm 1954 và cũng là người thầy lập miếu Tiên sư”.     

 Truyền thống hiếu học

Ngoài truyền thống giàu lòng yêu nước, kiên cường, bất khuất, Bến Tre còn giàu truyền thống văn hóa, dân Bến Tre hiếu học. Dù là đất cù lao, bốn bề sông nước, giao thông cách trở, đời sống còn nghèo khó, khi Pháp đến đánh chiếm, trong số 152 làng ở 2 cù lao Bảo và Minh của Bến Tre đã có hơn 70 trường dạy chữ nho. Bà Lê Thị Mẫn (1786 - 1866), chồng mất sớm khi mới 33 tuổi, là một phụ nữ hiền đức, dạy con vừa nghiêm khắc, vừa tinh tế, cả 3 người con đều đỗ cử nhân. Cảm phục hiền đức, vua Tự Đức đã phong tặng cho bà bức biển có 4 chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”.

Dưới triều Nguyễn có 3 tiến sĩ và 1 phó bảng. Bến Tre tự hào có Phan Thanh Giản người quê ở cuối biển, đất Bãi Ngao, làng Bảo Thạnh (Ba Tri) đỗ tiến sĩ đầu tiên Nam Kỳ. Trong 269 vị đậu cử nhân Trường thi Gia Định, Bến Tre có 31 người, chỉ đứng sau Gia Định. Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), người quê Cái Mơn, làng Vĩnh Thành (Chợ Lách) nói và viết thông thạo 20 ngoại ngữ, có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu. Trương Vĩnh Ký cũng đồng thời là “ông tổ” của báo chí và văn quốc ngữ Việt Nam.

Truyền thống hiếu học đã bắt nguồn cho truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, Bến Tre là nơi yên nghỉ cuối cùng của cụ Võ Trường Toản, là một nhà giáo Việt Nam nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người”; nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà giáo nhân cách lớn, một nhà văn hóa chân chính, từ lâu nhân dân Bến Tre đã ngưỡng mộ tôn thờ.

Tôn sư trọng đạo

Đền thờ Ân sư tiền vãng cũng là biểu trưng của tinh thần “Tôn sư trọng đạo”. Ngoài thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ ngày nay đối với các bậc tiên sư thì mỗi nhà giáo được đưa vào đền thờ phụng còn là một tấm gương điển hình trong ngành giáo dục, là niềm tự hào của thân nhân họ và góp phần giáo dục các thế hệ học sinh tinh thần yêu quê hương đất nước, sẵn sàng xả thân vì quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, hiện nay chúng ta chưa tìm hiểu đầy đủ nhân thân của 350 nhà giáo đang được lưu danh trong đền.

Để góp phần giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của các thế hệ tiếp nối, đền thờ Ân sư tiền vãng Bến Tre đang được Sở Giáo dục và Đào tạo lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xem xét công nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh. Song song với việc đề nghị, theo chúng tôi, ngành giáo dục cũng cần tổ chức sưu tầm và bằng nhiều cách, tìm hiểu đầy đủ nhân thân của 350 nhà giáo đang được lưu danh trong đền. Đồng thời, nghiên cứu đưa ra tiêu chí để thống nhất xem xét tiếp tục đưa những nhà giáo tiêu biểu đã mãn phần sau này, bổ sung vào danh sách hiện hữu.

Cần làm cho đền thờ Ân sư tiền vãng không chỉ là nơi thăm viếng trong ngày Nhà giáo Việt Nam, các ngày lễ, Tết mà là còn là nơi lui tới của các nhà giáo, học sinh, nhân dân và khách từ phương xa đến, thắp hương tưởng niệm những nhà giáo được tôn thờ. Đền thờ Ân sư tiền vãng là nơi dạy bài học làm người, cũng là cách khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần tôn sư trọng đạo, niềm tự hào của người dân quê hương Đồng khởi Bến Tre.

Vũ Hồng Thanh

Nguồn: Báo Đồng Khởi

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT