Du lịch Cao Bằng: Khởi sắc từ những mô hình phát triển du lịch cộng đồng
Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao
Sau sự kiện công viên địa chất Non nước Cao Bằng được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO, du lịch Cao Bằng tăng trưởng mạnh đạt trên 90%. Đến năm 2019, tăng trưởng du lịch đi vào ổn định, tiếp tục tăng ở mức trên 32%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid -19 bùng phát trên toàn thế giới gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch tỉnh Cao Bằng nói riêng, khiến các hoạt động du lịch gần như phải "ngủ đông" khi đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, sau dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5/2021. Hậu quả là nhiều kế hoạch của ngành du lịch đặt ra hầu như không thực hiện được, các chỉ tiêu đều tụt dốc nghiêm trọng; các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Cao Bằng giảm mạnh lần lượt là: - 83,7% (năm 2020); - 7,7% (năm 2021).
Từ đầu năm 2022, khi dịch Covid -19 dần được kiểm soát, ngành du lịch có dấu hiệu khởi sắc, nhất là sau khi du lịch Việt Nam chính thức "mở cửa" trở lại (từ ngày 15/3/2022). Với sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, các chỉ tiêu về du lịch năm 2022 của tỉnh Cao Bằng đã đạt và vượt so với Kế hoạch đề ra. Tổng lượt khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2021, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách du lịch nội địa chiếm 3 98,5% tổng lượt khách du lịch năm 2022. Tổng thu du lịch đạt: 622 tỷ đồng, tăng 762,3% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 29,3 so với cùng kỳ năm 2019.
Những điểm sáng
Theo Sở VHTTDL Cao Bằng, một trong những điểm sáng của du lịch Cao Bằng là phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Chính việc phát triển du lịch cộng đồng tại Cao Bằng trong những năm gần đây đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch Cao Bằng. Sau 10 năm xây dựng mô hình Làng du lịch cộng đồng, hoạt động đón tiếp khách du lịch của các Làng du lịch cộng đồng có nhiều khởi sắc, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được nâng cao.
Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh cho du lịch cộng đồng của địa phương, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng đang được khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống như: Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Nùng Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa; Bản dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc; Bản dân tộc Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh; Bản dân tộc Tày, xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa; Làng du lịch cộng đồng dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, huyện Nguyên Bình và một số điểm du lịch tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng như: Bản dân tộc Dao tiền Nà Chắn, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình; trải nghiệm văn hoá của người Dao Giằng Thượng, Táp Ná.
Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh cho du lịch cộng đồng của địa phương, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Tập trung hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng vùng dân tộc thiểu số có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng theo mô hình lưu trú tại nhà dân (homestay),..
Đơn cử như từ năm 2009-2013, Dự án Phát triển du lịch bền vững Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng triển khai đầu tư tại xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa với các hạng mục: Cải tạo gầm nhà sàn, hỗ trợ xây mới chuồng, di dời trâu bò ra khỏi gầm nhà sàn; xây nhà vệ sinh khép kín, bể Bioga composite tận dụng khí đốt; xây dựng Trung tâm thông tin, giới thiệu du lịch; đường đi bộ quanh làng, biển chỉ dẫn. Tổ chức dạy thêu thổ cẩm, tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, thành lập ban quản lý….
Hay như đồng bào dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc được hỗ trợ đầu tư các công trình vệ sinh khép kín,.... do Trung tâm phát triển cộng đồng Helvetas triển khai. Đến năm 2019, với nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư các hạng mục: nhà văn hóa, tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống, trò chơi dân gian, tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm….
Còn ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, đồng bào dân tộc Dao Tiền được UBND huyện đầu tư hỗ trợ đường đi lại trong làng, lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, bãi đỗ xe, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch,…nhằm xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của huyện đưa vào khai thác du lịch. Tháng 4/2022, Điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao được khánh thành. Đến cuối năm 2.22, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao đã đón đoàn Famtrip do Hiệp hội du lịch cộng đồng Việt Nam với trên 100 người là đại điện các công ty du lịch và cơ quan truyền thông đến trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ du lịch và nhận được đánh giá cao…. Từ khi khánh thành cho đến nay, số lượng khách du lịch đã bắt đầu tăng; hoạt động đón tiếp khách du lịch đã bắt đầu có hiệu quả.
Ngoài ra, Bản Giuồng, xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa được hỗ trợ đầu tư cho các gia đình làm homestay, dự án chia làm 3 giai đoạn (từ 2019-2021) do Công ty TNHH OWL triển khai thực hiện; Làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân, huyện Quảng Hòa và Bản Lũng Niếc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh được tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ, hỗ trợ một số hộ gia đình cải tạo làm homestay…Tập huấn cho bà con về kỹ năng làm du lịch cộng đồng (đón tiếp phục vụ khách, tiếng Anh giao tiếp cơ bản, dịch vụ xe ôm,..), Tổ chức đoàn đi học tập kinh nghiệm, Làm clip quảng bá điểm đến. Đến năm 2016, làng hương Phja Thắp được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, vì vậy, làng tiếp tục được tỉnh đầu tư: Bãi đỗ xe; biển bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá.
Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh nằm trong Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, xóm Khuổi Ky (trong) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008- 2015, chủ yếu đầu tư về vật thể: ngôi nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc của người Tày, xây cầu vào làn, hỗ trợ 14 hộ gia đình xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, lối đi... Đến năm 2016, làng đá cổ Khuổi Ky được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, vì vậy, làng tiếp tục được đầu tư biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá.
Hiện tại, Ban quản lý Công viên địa chất đang tư vấn UBND xã Đàm Thủy tiếp tục hỗ trợ Khuổi Ky về thành lập Ban quản lý, đưa người dân đi học tập và tập huấn về chia sẻ lợi ích cộng đồng, phân loại rác thải…
Còn nhiều việc phải làm
Tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng mô hình điểm du lịch cộng đồng vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng vốn có; kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ; nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng còn khiêm tốn, chưa có các chính sách khuyến khích, huy động được nhiều nguồn lực xã hội; chất lượng các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch; một số địa điểm được đầu tư nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả; sản phẩm du lịch còn đơn điệu; việc gắn kết khai thác các vốn di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch còn nhiều hạn chế; một số nghề truyền thống bị mai một, chưa được quan tâm phục dựng; mức chi tiêu của khách du lịch chưa cao.
Một số điểm du lịch đã được Nhà nước bố trí kinh phí đầu tư nhưng hầu hết khi dự án kết thúc thì các điểm có hiện tượng trông chờ. Một số khác, hiện nay, kinh phí xây dựng chủ yếu do các hộ gia đình kinh doanh du lịch tự bỏ kinh phí đầu tư, trong khi nguồn vốn của các gia đình còn hạn hẹp nên việc đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu.
Hơn nữa, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm thường xuyên và lâu dài do hạn hẹp về kinh phí hỗ trợ. Đường giao thông một số nơi chưa thực sự thuận tiện, hầu hết chưa có bãi đỗ xe ô tô riêng biệt, nhà vệ sinh công cộng và nhà trưng bày, đón tiếp khách. Khách lưu lại chưa lâu, chưa có nhiều doanh nghiệp tổ chức đoàn lớn đến các điểm du lịch này. Lượng khách chưa thường xuyên, chủ yếu là khách gia đình, khách lẻ, nhóm khách nhỏ. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, các làng nghề truyền thống, hoạt động sản xuất nông thôn và dịch vụ văn hóa, văn nghệ không diễn ra thường xuyên do lượng khách không đều.
Theo Sở VHTTDL Cao Bằng, còn có một nguyên nhân nữa đó là việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025 (Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND) còn chậm. Nguyên nhân là do các địa phương chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 78; còn lúng túng trong việc xây dựng tiêu chí lựa chọn điểm du lịch cộng đồng tiềm năng; danh mục, đối tượng, mức hỗ trợ; quy trình thẩm định và xét duyệt hồ sơ, xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; chưa chủ động phối hợp với Sở VHTTDL trong tổ chức khảo sát, đánh giá và lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng tiềm năng trên địa bàn.
Để khắc phục tình trạng này, theo Sở VHTTDL Cao Bằng, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp, tư vấn và đôn đốc các huyện và thành phố trong việc tổ chức khảo sát, đánh giá và lựa chọn xây dựng các điểm du lịch cộng đồng tiềm năng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh để tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết số 78/2021/NQHĐND ngày 10/12/2021; nghiên cứu lồng ghép từ các nguồn: đầu tư công, nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án liên quan...; nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Trải nghiệm, tìm hiểu hoạt động sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc được đưa vào phục vụ du khách
Hiện tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo triển khai một số giải pháp trọng tâm để khuyến khích, phát triển du lịch cộng đồng, như ban hành, thực hiện tốt kế hoạch thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, trong đó sẽ tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, danh lam thắng cảnh; khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; xây dựng, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, phù hợp với nhu cầu thị trường, tạo nên thương hiệu và hình ảnh mỗi điểm đến du lịch của tỉnh, gồm các nhóm sản phẩm, như: Du lịch văn hóa lịch sử, du lịch qua biên giới, sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng, tâm linh, cộng đồng...
Bài và ảnh:Thái Bình