Hoạt động của ngành

Thanh Hóa: Cần tập trung nguồn lực cho chương trình du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình OCOP

Cập nhật: 13/11/2023 11:52:10
Số lần đọc: 647
Thời gian qua, cùng với công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương và người dân tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh phát triển nhiều điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông sản đặc trưng và sản phẩm OCOP; qua đây góp phần quảng bá hình ảnh nông thôn Thanh Hóa và nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, gìn giữ những sản vật quý của từng địa phương.


Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện Chương trình quốc gia về mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã và đang đạt được nhiều thành tựu cơ bản về số lượng sản phẩm, quy mô và sự đồng thuận tham gia ở các địa phương; song hiện nay rất cần sự kết nối để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm phải mang ý nghĩa, giá trị trong từng sản phẩm OCOP như đúng với ý nghĩa chương trình đề ra, đó là hồn quê, là giá trị đặc sắc của mỗi địa phương “mỗi làng một sản phẩm”. Nếu những giá trị đó được thể hiện qua ẩm thực, qua quà tặng hay qua các sản phẩm nông sản đặc trưng của mỗi địa phương để giới thiệu cho khách du lịch sẽ đạt được mục tiêu kép là vừa phát triển du lịch, vừa giúp tiêu thụ sản phẩm nông sản được tốt hơn.

Chính vì vậy, nắm bắt nhu cầu xã hội và thực hiện theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT về việc thúc đẩy loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân; thời gian qua, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh loại hình được xem là kinh tế xanh. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 116 làng nghề đã được công nhận; có 346 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng từ 3 - 4 sao và 1 sản phẩm 5 sao; 16 điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống. Đây là cơ sở khai thác thêm dòng sản phẩm du lịch nghề, có khả năng bổ trợ cho loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đặc biệt, việc phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một hướng đi rất cần được đẩy mạnh. Bởi du lịch không chỉ là một kênh quảng bá rất tiềm năng, mà còn là một kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả các sản phẩm OCOP của Thanh Hóa.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có khoảng 10 mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch. Trong đó, một số mô hình được đưa vào khai thác bước đầu thu hút được sự quan tâm của du khách và mang lại hiệu quả như nông trại nông nghiệp Queen farm, nông trại sinh thái Linh kỳ mộc, nông trại T-Farm, nông trại Golden Cow, nông trại Ánh Dương...

Làng du lịch Yên Trung tái hiện lại những cảnh quê xưa, mang đến một không gian tĩnh lặng và ấm áp, để du khách được chìm đắm trong bầu không khí trong lành của vùng quê. Làng gồm 2 khu: khu nghỉ dưỡng sinh thái và khu sản xuất nông nghiệp sạch với tổng diện tích khoảng 25 ha. Trong khu nghỉ dưỡng sinh thái có 8 căn vila, 3 bungalow, 3 nhà du mục, 5 nhà thuyền, 1 nhà sàn, 2 phòng cánh diều được thiết kế theo phong cách gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh tái hiện không gian làng quê Bắc bộ xưa, tại làng du lịch Yên Trung còn cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm cuộc sống thực tế như tham gia câu cá, thả diều, cưỡi ngựa, bắn cung, thử sức với các trò chơi dân gian khác như đạp vịt, chèo thuyền kayak và sân chơi cho trẻ em

Bên cạnh đó, khi đến đây du khách có thể tham gia các hoạt động đốt lửa trại, múa lửa, ca hát, từ đó lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Giám đốc Điều hành du lịch làng du lịch Yên Trung Nguyễn Văn Nam cho biết: Chúng tôi cung cấp tổ hợp dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm. Trong ý tưởng thành lập cũng như khi đi vào hoạt động, làng du lịch Yên Trung luôn gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của người dân. Ngoài ra, để hướng tới trở thành sản phẩm OCOP du lịch của tỉnh, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh nhằm quảng bá, phát triển thêm trên thị trường. Đến nay, làng du lịch Yên Trung đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 60 lao động là con, em địa phương, góp phần phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, dịch vụ của địa phương. Với sự độc đáo, riêng biệt của làng du lịch Yên Trung, UBND huyện Yên Định định hướng hỗ trợ và phát triển thành sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023.

Ngoài điểm du lịch làng Yên Trung, từ năm 2019 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 2 điểm du lịch, dịch vụ được Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương lựa chọn, khảo sát và định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP du lịch điểm của Trung ương, gồm: dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông thuộc huyện Bá Thước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có điểm du lịch, sản phẩm du lịch nào của tỉnh được gắn sao OCOP.

Theo Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Bùi Công Anh cho biết: Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2023, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch là một trong 6 nhóm sản phẩm của Chương trình OCOP. Mặc dù, bộ tiêu chí đánh giá của nhóm sản phẩm này được quy định cụ thể, rõ ràng, song không phải dễ để xây dựng. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa chưa xây dựng được sản phẩm OCOP du lịch bởi lẽ các mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông còn mang tính tự phát nên chất lượng chưa cao. Tại các điểm du lịch sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều, việc duy trì, phát triển nghề truyền thống còn hạn chế, chưa lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng gắn với văn hóa, phong tục, tập quán và sinh hoạt của người dân địa phương. Do đó, chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch. Hiện nay, đã có một số đơn vị cấp huyện đăng ký sản phẩm OCOP trong lĩnh vực này và đang được cán bộ văn phòng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, chấm, đánh giá xếp hạng.

Để đạt được các mục tiêu trọng tâm trên, ngành chức năng có liên quan và người dân đang làm du lịch nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh đề ra nhiều giải pháp trọng tâm. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp - nông thôn; cũng như quan tâm phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua lồng ghép giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương đến khách tham quan tại các điểm du lịch nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Có thể nói, việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là bước đi đúng, cần được tập trung nguồn lực thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao lòng tự hào và tình yêu quê hương, đất nước của người dân. Hơn thế nữa, sản phẩm OCOP du lịch là hình thức quảng bá hữu hiệu về đất nước, con người một cách gần gũi và chân thật nhất đến thị trường quốc tế. Do đó, bên cạnh việc vận dụng những cơ chế, chính sách để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã và đang nỗ lực hỗ trợ, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để trong năm 2023 Thanh Hóa sẽ có sản phẩm OCOP du lịch “đầu lòng” xứng tầm với tiềm năng, lợi thế và bề dày văn hóa, lịch sử địa phương.

Ngọc Đan

Nguồn: Báo Văn hóa - baovanhoa.vn - Đăng ngày 12/11/2023

Cùng chuyên mục