Hà Nội-Huế-Sài Gòn trong hành trình di sản và an ninh quốc gia
khách du lịch tham quan Cố đô Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Lễ kết nghĩa Hà Nội-Huế-Sài Gòn, 45 năm giải phóng tỉnh Thừa Thiên-Huế và 1.010 năm Thăng Long-Hà Nội; là dịp ôn lại lịch sử mối tình kết nghĩa keo sơn của ba thành phố, tìm hiểu chiều sâu hình ảnh Việt Nam thống nhất, giáo dục tinh thần đoàn kết yêu nước.
Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo có chất lượng của các nhà khoa học, nghiên cứu trong cả nước. Các báo cáo không chỉ đóng góp nhiều nội dung mới về sử học, văn hóa, quốc phòng và an ninh, nghiên cứu Phật học..., mà còn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa ba tỉnh, thành phố trong tương lai.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Thiên Định cho biết việc kết nghĩa của ba thành phố có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mở ra phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam-Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Kết tinh cao đẹp của sự đoàn kết Hà Nội-Huế-Sài Gòn là thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta với Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
“60 năm qua, Hà Nội-Huế-Sài Gòn càng gắn bó keo sơn, tình nghĩa. Với bề dày lịch sử của ba trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, ba thành phố gắn bó trong một chỉnh thể thống nhất, có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn, không những là xu thế khách quan của lịch sử mà còn là tình cảm chính đáng của nhân dân ba miền; thể hiện sức sống mãnh liệt của dân tộc, trở thành động lực phát triển đất nước,” Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế Phan Thiên Định chia sẻ.
Một số báo cáo đáng chú ý được trình bày tại hội thảo như “Hà Nội-Huế-Sài Gòn trong cuộc mở cõi và định cõi, hoàn thành thống nhất đất nước Việt Nam từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 19” của Giáo sư-Tiến sỹ-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; “Tầm nhìn Trần Nhân Tông với Học thuyết Cư Trần lạc đạo” của Thượng tọ-Tiến sỹ Thích Phước Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh; “Giáo dục Phật giáo với trục Huế-Hà Nội-Sài Gòn” của Thượng tọa-Tiến sỹ Thích Nguyên Đạt - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế...
Theo Giáo sư-Tiến sỹ-Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hà Nội-Huế-Sài Gòn trong mối tương quan và hỗ trợ lẫn nhau đã trở thành ba trụ cột quyết định mọi thành công trong suốt trường kỳ lịch sử mở cõi, định cõi thống nhất đất nước, dân tộc.
Truyền thống quý báu này cần được nhận diện một cách đầy đủ, chuẩn xác và khai thác, nhân lên những giá trị vĩnh hằng của nó trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay.
Hiện nay, Hà Nội là thủ đô kinh tế-chính trị, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế, Huế vẫn tiếp tục giữ vai trò là Cố đô với đặc trưng là nơi chứa đựng đầy đủ nhất giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn của Việt Nam, là trung tâm y tế, giáo dục lớn tương đương Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Huế đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với hai thành phố trên...
Tiến sỹ Phạm Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng khởi động lực hút ở vùng đất Cố đô tất yếu phải xác định được lợi thế, vị thế trung tâm của dải đất miền Trung-Tây Nguyên.
Từ đây giải quyết tốt nhu cầu liên kết như liên kết ngành, liên kết địa phương, liên kết cá nhân và tập thể dưới dạng những êkíp hoạt động hữu hiệu, thiết thực mang lại hiệu quả trên tinh thần giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm./.