Non nước Việt Nam

Hát xường giao duyên của người Mường ở Thanh Hóa

Cập nhật: 03/04/2020 08:52:48
Số lần đọc: 860
Năm 2019, hát xường giao duyên của người Mường ở huyện miền núi Ngọc Lặc (Thanh Hóa) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường Ngọc Lặc nói riêng và của đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa nói chung.

Nguồn gốc của “xường” được các già làng truyền lại rằng: Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh, không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên, gánh xường đứt quai, một sọt rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Vì vậy mà xường mường Ống và mường Ai được cho đó là xường gốc.

Với sự kiện mang đậm tính huyền thoại này đến nay, dân gian vẫn hằng nhắc nhớ: “đứt gánh mường Ai, đứt quai mường Ống”, địa danh đứt này thuộc đồi Lai Ly, Lai Láng, mường Ai nay thuộc xã Văn Nho, Kỳ Tân; mường Ống thuộc các xã Điền Trung, Điền Quang huyện Bá Thước, nơi có dãy Pù Luông quanh năm mây phủ và dòng Mã giang hùng vĩ, cuồn cuộn đổ về xuôi. Bởi vậy, người Mường Thanh Hóa từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hóa – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: Đất thì xường, Mường thì rang/Kẻ chợ, Mường ngoài còn đang có tiếng, cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình.

Hát xường có hai loại chính là xường tự do và xường lên bậc. Xường tự do là hình thức “độc” diễn phản ánh mọi sắc thái tình cảm của cư dân Mường trong cuộc sống, người hát tự do sáng tác hoặc hát theo lời ca có sẵn được trao truyền trong cộng đồng từ đời này sang đời khác. Xường bậc là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ, có thể thức, cung cách riêng, người hát có tài ứng đáp và giọng hát truyền cảm, có sức lan tỏa và lay động tâm hồn. Xường có nhiều loại: Xường chúc, xường kể nhưng phổ biến nhất vẫn là điệu hát xường giao duyên.

Hát xường giao duyên là điệu hát dân ca tiêu biểu của người Mường, góp phần làm cho tiếng Mường trở nên trong sáng, đời sống tinh thần của người dân trở nên phong phú hơn. Thông qua điệu hát xường, những cung bậc cảm xúc của con người, nhất là tình cảm trai gái được xường thể hiện một cách tinh tế và sâu sắc; là dịp để những đôi trai gái say sưa, quấn quýt bên nhau trong lời ca, tiếng hát giữa không gian của núi rừng.

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, những nam thanh nữ tú người Mường lại rủ nhau hát đối từ bản nọ sang bản kia, thể hiện giản dị, mộc mạc những cung bậc cảm xúc trong tình yêu đôi lứa. Nét độc đáo trong điệu xường giao duyên là lời ca được ứng khẩu ngay tại chỗ, không theo một khuôn mẫu có sẵn mà sáng tạo một cách linh hoạt, hài hòa./.

Nguồn: Báo Đắk Nông

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT