Hát giao duyên - Nét đẹp văn hóa của người Dao Đỏ
Hát giao duyên là nét đẹp văn hóa của người Dao Đỏ.
Ông Hoàng Thồng Quấy, xóm Tàn Pà - một người am hiểu tường tận về làn điệu hát giao duyên của dân tộc Dao Đỏ cho biết: Trước kia, hát giao duyên là cách duy nhất để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Hát giao duyên là tục hát ứng đối giữa nam và nữ, thông qua câu hát, chàng trai và cô gái tìm hiểu thông tin về xuất thân, sở thích hay quan niệm sống của nhau, cũng có khi là để trêu đùa nhau. Lời ca mang đậm chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, thể hiện nét tươi sáng, giản dị của tâm hồn người Dao Đỏ.
Hát giao duyên không chỉ dành cho nam nữ thanh niên mà người trung niên hay cao tuổi đều có thể tham gia hát đối đáp, hát gọi bạn. Hát giao duyên thể hiện được tính cách của con người, sự linh hoạt trong ứng biến câu hát, từ đó hai bên sẽ hiểu nhau hơn và tìm cho mình người bạn, người yêu phù hợp, người bạn tâm giao. Ngoài ra, trong hát giao duyên còn có thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ đã có vợ, có chồng. Nội dung hát chủ yếu là ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khỏe, lao động sản xuất hay để cùng giãi bày tâm sự, mục đích là thưởng thức tài nghệ của nhau.
Trong đời sống người Dao, hát giao duyên không chỉ diễn ra lúc nông nhàn mà còn hát trong dịp lễ, tết, lên nương, xuống chợ, đám cưới để chúc mừng gia đình đón cô dâu mới, chúc đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc. Theo phong tục, trai gái khác bản mới hát giao duyên, muốn hát phải xin phép trưởng bản hoặc gia chủ. Có thể hát ở nhà hoặc ngoài trời.
Người biết hát giao duyên là người biết lắng nghe, chịu khó học hỏi. Bởi chỉ có thể nghe trực tiếp trong các cuộc hát giao duyên, trong nhiều bối cảnh khác nhau mới là cách học đầy đủ, phong phú và sâu sắc nhất vì dường như rất ít người ghi chép lại đầy đủ nội dung các bài hát giao duyên, các bài hát chủ yếu do người hát tự ứng tác, đặt lời theo giai điệu truyền thống.
Một thứ không thể thiếu khi các chàng trai, cô gái mặc bộ trang phục dân tộc mình đó là chiếc khăn. Nam thường vắt khăn trên vai, nữ cầm ở tay. Trai gái người Dao hát giao duyên để tìm hiểu, tìm được người bạn tâm đầu ý hợp, khi đó họ trao nhau chiếc khăn để làm tin, gửi gắm tình cảm. Theo phong tục của người Dao, trong khi hát giao duyên, chàng trai phải hát để cô gái đồng ý cho chàng trai tìm hiểu, nếu không cô gái phải trao cho chàng trai chiếc khăn để làm tin. Chiếc khăn như tín vật giữa hai người, trở thành đồ vật quan trọng đối với người con trai. Sau khi trao nhau chiếc khăn, bằng tiếng hát của mình, hai người đã ngỏ ý với nhau và hẹn ngày gặp mặt. Nếu thấy hợp nhau, quý nhau mới nên duyên vợ chồng.
Chủ tịch UBND xã Yên Lạc Hoàng Chàn Sơn cho biết: Hiện nay, hát giao duyên được người dân tộc Dao Đỏ gìn giữ. Tuy nhiên, số người biết hát làn điệu giao duyên trao khăn ngày càng ít, nguyên nhân do tiếng Dao rất khó hát và khó hiểu. Các làn điệu phổ biến mang tính chất truyền miệng, không có sự kế thừa; lớp trẻ hiện nay ít có thời gian tìm hiểu và không am hiểu nên không đam mê, học hỏi; người cao tuổi, nghệ nhân có hiểu biết và có thể hát không nhiều.
Để bảo tồn, phát huy làn điệu hát dân ca của dân tộc Dao Đỏ nói chung và hát giao duyên, hát trao khăn nói riêng, năm 2018, xã Yên Lạc thành lập Tổ văn nghệ “Bảo tồn dân ca, bản sắc văn hóa của người dân tộc Dao Đỏ” gồm 7 thành viên. Tổ văn nghệ đã sưu tầm, dàn dựng một số tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là các làn điệu dân ca của dân tộc Dao Đỏ, tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân tại địa phương. Thời gian tới, xã xây dựng phong trào văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc thông qua mô hình câu lạc bộ, góp phần gìn giữ, lưu truyền và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Dao Đỏ.