Cần bảo tồn, gìn giữ tranh thờ của người Dao
Tranh thờ được treo trong nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở xóm Nà Chắn, xã Hoa Thám (Nguyên Bình).
Người Dao không có nơi thờ phụng cố định mà tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng trong không gian của ngôi nhà. Họ sử dụng tranh thờ - vật trung gian bắt buộc để liên lạc giữa con người với thần linh. Các bức tranh thờ của người Dao thể hiện lòng tôn thờ thánh thần và phản ánh quan niệm khi chết đi con người có cuộc sống tiếp theo ở thế giới khác. Mỗi bức tranh sau khi vẽ xong bao giờ cũng kèm theo nghi lễ rước các vị thần vào ngự trong tranh, sau đó gói kín trong túi vải đặt trên bàn thờ và chỉ giở ra treo vào các dịp Tết, lễ cấp sắc, lễ cưới hỏi, giỗ chạp, cầu mùa màng... Vì thế, tranh thờ của người Dao được coi như là “báu vật”, có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống.
Ông Đặng Văn Sỉnh, xóm Tắp Ná, xã Thanh Long (Hà Quảng) là một trong những gia đình hiện còn giữ gìn nghề vẽ tranh thờ người Dao được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến đặt vẽ tranh. Ông Sỉnh cho biết: Hệ thống tranh thờ của người Dao rất phong phú, hình vẽ thể hiện quan niệm sơ khai của người Dao về nguồn gốc hình thành vũ trụ, mối quan hệ giữa vạn vật, trong đó có con người. Tranh thờ của người Dao còn mang tính giáo dục sâu sắc. Các vị thần hiện thân trong mỗi bức tranh đại diện cho sức mạnh quyền lực siêu phàm tác động đến mọi mặt của đời sống. Họ theo dõi, bảo hộ và răn dạy con người tránh xa cái ác, đen tối, hướng đến cái thiện, chân lý.
Trước kia, mỗi gia đình người Dao khi ra ở riêng đều phải có bộ tranh dùng thờ cúng trong gia đình, như là sự hiển hiện của các vị thần linh che chở cho cuộc sống. Người Dao có tục treo tranh mới hoặc vẽ lại các bức tranh khi đã quá cũ, tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình, chủ nhà có thể sử dụng tranh thờ được lưu truyền từ ông cha, hoặc có thể đặt vẽ tranh mới. Để có những bức tranh mới về thờ, người chủ gia đình phải mang lễ đến nhà thầy cúng (thầy mo hoặc thầy tào) nhờ thầy xem giúp tuổi của mình hợp với ngày nào trong tháng. Thầy sẽ chọn ngày phù hợp với tuổi của gia chủ, sau khi cúng lễ thì tiến hành đặt tranh để vẽ.
Vẽ xong tranh lại phải chọn ngày tốt, làm lễ nhập thần cho tranh, sau đó, gia đình mới được dùng trong thờ cúng, với ý nghĩa từ đây gia đình chủ nhà có các thần linh che chở và cầu phúc cho gia đình mình. Đặc biệt, không phải cứ đặt tranh là người vẽ tranh sẽ làm bởi người vẽ tranh cũng phải xem tuổi của mình hợp tuổi, được tuổi thì mới vẽ, còn khắc tuổi thì không vẽ. Tranh thờ của người Dao thể hiện các hoạt động của con người và thần linh từ mặt đất đến bầu trời, từ núi sông đến biển cả, từ địa ngục đến tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng và quan niệm nhân sinh của người Dao.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, hiện nay tranh thờ của người Dao đứng trước nguy cơ mai một, hàng loạt tranh thờ cổ quý đã bị thất truyền, nhất là khi số người vẽ tranh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; mới chỉ có một số tài liệu sưu tầm, chưa có công trình nghiên cứu về văn hóa tranh thờ của người Dao ở Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung… Do đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy tranh thờ người Dao - một trong những nét văn hóa giàu bản sắc độc đáo nhất của người dân tộc Dao đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.
Thời gian tới, để nét văn hóa tranh thờ giàu bản sắc độc đáo của người Dao không bị mai một rất cần có sự vào cuộc của ngành văn hóa và cộng đồng người Dao cùng chung tay nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê có hệ thống các tranh thờ; có cơ chế hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy vẽ tranh… Đặc biệt, hiện tỉnh đang triển khai một số điểm du lịch cộng đồng của người Dao trên địa bàn, như: Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); Đối tác công viên địa chất Xưởng thêu thổ cẩm người Dao, xã Hoa Thám (Nguyên Bình)…, nếu gắn văn hóa tranh thờ vào hoạt động du lịch với các hoạt động: phục dựng, biểu diễn các nghi lễ liên quan đến tranh thờ người Dao; trưng bày tranh thờ; nghệ nhân trình diễn kỹ thuật vẽ tranh… sẽ làm phong phú và tạo điểm nhấn cho du khách, đồng thời gìn giữ, bảo tồn tranh thờ - một loại hình mỹ thuật trong văn hóa tín ngưỡng của người Dao.