Khách quốc tế lưu trú thấp khi đến Huế
Khách quốc tế phục hồi tốt, nhưng lưu trú tại Huế lại thấp
Số liệu từ Cục Thống kê Thừa Thiên Huế cho thấy, trong hai tháng đầu năm, du lịch Thừa Thiên Huế đón khoảng 163 nghìn lượt khách quốc tế, đạt 5.071% so với hai tháng cùng kỳ năm 2022; trong đó, khoảng 72 nghìn khách có lưu trú. Riêng trong tháng 2/2023, Huế đón được hơn 83 nghìn lượt khách quốc tế, nhưng số khách lưu trú chỉ đạt 36 nghìn lượt.
Điều này có nghĩa là, cứ khoảng 2,3 khách quốc tế đến Huế thì chỉ có 1 khách có lưu trú và khoảng 60% khách chủ yếu đến Huế trong ngày, rồi lại di chuyển sang địa phương khác để lưu trú.
Tham khảo tour đến Huế trong ngày từ một doanh nghiệp du lịch có lịch trình như sau: Sáng 8h đón khách tại Hội An, hoặc Đà Nẵng, khách di chuyển ra tham quan, chụp hình ở đầm Lập An (Lăng Cô); đến 11h00 khách tham quan lăng Khải Định; đến 12h30 khách ăn trưa; đến 13h30 khách tham quan Đại Nội; đến 15h00 đoàn khách tham quan chùa Thiên Mụ và đến 16h00 thì di chuyển trở lại Đà Nẵng, hoặc Hội An. Giá tour mà công ty này bán cho mỗi khách là 1,29 triệu đồng.
Chỉ làm một phép tính đơn giản từ giá tour trên, khi đến Huế khách chỉ chi tiêu vào vé vào lăng Khải Định, vé tham quan Đại Nội và ăn cơm trưa. Tổng kinh phí cho ba dịch vụ này chỉ rơi vào khoảng 500 nghìn đồng/khách. Từ thực tế đó, dù được đánh giá là dòng khách có mức chi tiêu cao, song mức chi tiêu thực tế của khách khi đến Huế thấp xa so với mức chi trung bình 2,2 triệu đồng/khách được ngành du lịch thông tin trước đó.
Dịch vụ lưu trú là một trong ba lĩnh vực quan trọng nhất của du lịch, cùng với lữ hành và vận chuyển. Nguồn thu từ du lịch cũng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn thu của điểm đến khi phục vụ du khách. Thực trạng này cho thấy, đây là vấn đề lớn, cần được nhìn nhận, đánh giá và có giải pháp cấp thiết hơn.
Theo các doanh nghiệp du lịch, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này không phải mới, mà vẫn chỉ tập trung vào hai lý do chính được chỉ ra lâu nay. Đầu tiên là, giá dịch vụ lưu trú ở Huế đang cao hơn so với một số điểm du lịch xung quanh. Hiện nay, giá cho một đêm lưu trú tiêu chuẩn 4 sao ở Huế tầm 1 – 1,5 triệu đồng. Trong khi, ở Đà Nẵng giá phòng chỉ vào khoảng 500 nghìn đồng, mà chất lượng phòng lại tốt hơn vì đa số mới xây dựng. Không chỉ vậy, chất lượng và số lượng sản phẩm du lịch ở Huế còn ít. Đến Huế vẫn chủ yếu là tham quan di sản, chưa có nhiều sản phẩm bổ trợ, hoặc có thì cũng phân khúc một lượng nhỏ du khách.
Khi phân tích cụ thể hơn về giá dịch vụ lưu trú, số lượng phòng lưu trú cao cấp ở Huế không có nhiều thay đổi. Số khách sạn từ 3 – 5 sao hiện có 27 cơ sở với 3.404 phòng, chiếm 30,07% trên tổng số phòng. Trong khi đó, xu hướng hiện nay của khách chọn dịch vụ chất lượng, cao sao là phần lớn. Việc không có những lợi thế cạnh tranh về dịch vụ lưu trú cả số lượng, chất lượng và giá cả nên Huế thất thế trong cạnh tranh là điều khó tránh khỏi.
Một chủ doanh nghiệp lưu trú 4 sao ở Huế cho biết, trong cơ chế cạnh tranh như hiện nay, khó mà trách địa phương, hay ai đó được. Ở địa phương bạn số lượng phòng quá lớn, lượng khách chưa lấp đầy nên việc hạ giá để thu hút khách là điều khó khác được. Quan trọng ở Huế là cần phát triển số lượng cũng như chất lượng về dịch vụ lưu trú để tăng tính cạnh tranh.
Nói đến phát triển dịch vụ lưu trú ở Huế, thực tế đầu tư về lưu trú ở Huế qua bao nhiêu năm vẫn còn quá chậm. Con số 27 khách sạn 3 - 5 sao suốt 10 năm qua vẫn “giậm chân” không hề thay đổi. Những dự án đang đầu tư chậm tiến độ, không biết khi nào mới đưa vào hoạt động. Tín hiệu về các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực lưu trú vẫn chưa nhiều.
Trong chương trình hành động về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, gắn với Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị thì đến năm 2025, Huế sẽ có 10 cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao; kêu gọi đầu tư từ 3-5 dự án xây dựng cơ sở khách sạn, khu nghỉ dưỡng du lịch đạt chuẩn 5 sao. Với lộ trình phát triển như hiện nay, những con số này xem ra khó đạt được.
Theo các chuyên gia, thu hút đầu tư vào lĩnh vực lưu trú hiện nay không phải dễ dàng như trước. Các chính sách, quy định về đầu tư nghiêm ngặt hơn. Dòng vốn của nhà đầu tư đang khó khăn vì lĩnh vực bất động sản thời gian qua bị ảnh hưởng. Lãi suất ngân hàng tăng cao. Cùng với đó là địa phương nào cũng "trải thảm đỏ” để thu hút nhà đầu tư…, thì chỉ nơi nào mà cho thấy khả năng thu hồi vốn và sinh lời nhanh mới tạo ra các quyết định đầu tư.
Huế cần nhiều hơn các giải pháp để kích thích làn sóng đầu tư vào lưu trú. Trong bối cảnh như hiện nay, giải pháp quan trọng nhất, cũng là bước đi đầu tiên phải là sản phẩm du lịch. Du lịch Huế phải đa dạng sản phẩm. Văn hóa, di sản phải làm mới để thoát ra khỏi “cái bóng” của mình suốt nhiều năm qua. Chỉ khi điểm đến cho thấy những sức bật mới, thì mới tạo ra động lực đầu tư mới.
Bài, ảnh: Đức Quang