Khâu đột phá phát triển du lịch ở Thanh Thủy - Phú Thọ
Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh là điểm đến hấp dẫn của du lịch Thanh Thủy
Để thúc đẩy phát triển du lịch, huyện đã tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, từ 2015 đến nay tổng vốn đầu tư vào địa bàn đạt hơn 7.000 tỷ đồng; nhờ đó các chương trình, dự án về phát triển kinh tế du lịch tiếp tục được quan tâm, hạ tầng giao thông được kết nối, đáp ứng tốt nhu cầu khách du lịch.
Trong 5 năm, doanh thu du lịch, dịch vụ, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ở Thanh Thủy ước đạt 720,7 tỷ đồng (bình quân tăng trên 10%/năm) chiếm 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện, thu hút trên 2,2 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người), tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.500 lao động trong ngành thương mại - dịch vụ - du lịch. Đặc biệt, Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy đáp ứng đủ các tiêu chí công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, đã trình UBND tỉnh hồ sơ công nhận Khu du lịch cấp tỉnh trong năm 2020.
Thực hiện nghị quyết Đại hội XXVI nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Thanh Thủy tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá, tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Cụ thể hóa khâu đột phá, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển du lịch Thanh Thủy giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030 với các nội dung chủ yếu như: Phấn đấu đến năm 2025 tổng lượng khách du lịch đạt: 1.550.000 lượt/năm; doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt: 1.100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 18.000 lao động (cả trực tiếp và gián tiếp); phấn đấu đến năm 2030 Thanh Thủy trở thành huyện du lịch, trung tâm du lịch của tỉnh Phú Thọ: khách du lịch đạt: 2.500.000 lượt người/năm, đoanh thu từ du lịch - dịch vụ: đạt 1.780 tỷ đồng, tạo việc làm cho 29.500 lao động cả trực tiếp và gián tiếp.
Để đạt được mục tiêu phát triển du lịch, huyện Thanh Thủy tiếp tục đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền, quảng bá các tiềm năng, lợi thế, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng hình ảnh thương hiệu du lịch Thanh Thủy gắn với hình ảnh con người thân thiện, mến khách, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong và ngoài tỉnh; nhất là liên kết phát triển du lịch giữa Thanh Thủy với thành phố Hà Nội và các tỉnh vùng Tây Bắc...; phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch tỉnh, các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương để thực hiện công tác tuyên truyền quảng bá và vận hành hiệu quả website giới thiệu, quảng bá du lịch Thanh Thủy; tổ chức, tham gia các hội chợ, các lễ hội du lịch trong và ngoài tỉnh để giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện.
Ngoài ra, huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thanh Thủy; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để tạo đà đưa du lịch Thanh Thủy trở thành điểm sáng về phát triển “ công nghiệp không khói” của tỉnh.
Chính Văn