Hoạt động của ngành

Lào Cai phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch

Cập nhật: 21/05/2020 14:05:31
Số lần đọc: 894
  Du lịch Lào Cai nói chung và Bắc Hà nói riêng có nhiều tiềm năng để "đánh thức" và nâng cấp thành sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Ngành "công nghiệp không khói" này đã và đang được các địa phương quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài.

 


Người dân xã Bản Liền thu hái chè. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Huyện Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa đặc trưng, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc hữu... Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để huyện phát triển các sản phẩm OCOP nhằm thu hút khách du lịch.

Thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung triển khai hiệu quả Dự án Làng văn hóa du lịch cộng thôn Na Lo, xã Tà Chải. Đây là một trong 10 thôn điểm của cả nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn triển khai trong Chương trình OCOP.

Đồng thời, Bắc Hà sẽ đầu tư hình thành rõ nét các vùng chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (vùng cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè hữu cơ, sản xuất ứng dụng công nghệ cao,...), xây dựng các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch làng bản kết nối với các vùng sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực là người địa phương về kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp tham gia liên kết các tour du lịch. Việc quan tâm, đầu tư và tham gia “sân chơi” OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Theo bà Chu Thị Dương, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà, huyện xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, để phát triển các sản phẩm OCOP một cách bền vững, phát huy thương hiệu và thế mạnh của sản phẩm này, huyện Bắc Hà đã và đang tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của Chương trình OCOP.

Giai đoạn đến 2030, địa phương này đã định hướng hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm; phát triển mới 22 sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; đồng thời, xác định các sản phẩm không chỉ sản xuất ở 1 xã, 1 doanh nghiệp mà phải nhân rộng, tạo sản phẩm đa dạng, khối lượng lớn, chất lượng cao.

Bà Chu Thị Dương cho biết chè Bản Liền là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của địa phương tìm được chỗ đứng ở Mỹ và châu Âu.

Cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30km, xã Bản Liền như là một thung lũng được bao bọc xung quanh bởi núi non trùng điệp nên có khí hậu mát mẻ, thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc phong thủy hữu tình. Đặc biệt, thổ nhưỡng ở nơi đây rất thích hợp để trồng chè.

Bà Hoàng Thị Cảnh, thôn đội 3, xã Bản Liền cho biết trước đây, người Tày ở bản này chưa biết quý cây chè, cứ để mặc cây tự lớn với nắng mưa, sương gió. Nhưng bây giờ thì khác, nhà nào có chè cũng học cách chăm sóc cây và thu hái đúng mùa vụ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hợp tác xã. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ cây chè. Với đồng bào Tày ở đây, cây chè đã trở thành linh hồn của bản, đem lại no ấm cho người dân.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục