Non nước Việt Nam

Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng Mường Lay

Cập nhật: 10/08/2020 08:10:04
Số lần đọc: 879
Lễ Kin Pang Then là một trong những di sản văn hóa đặc biệt trong nghệ thuật hát Then của người Thái trắng TX. Mường Lay, cho đến nay vẫn được trao truyền, thực hành nghi lễ.

Phụ nữ Thái múa hát trong lễ Kin Pang Then.

Trong tiếng Thái, “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang là lễ, người dự lễ”; “Then là chỉ các vị thần linh ở Mường Trời”. Lễ Kin Pang Then thường diễn ra vào dịp đầu xuân (sau tết Nguyên đán), 3 năm lại tổ chức lớn một lần. Lễ do người làm Then tổ chức để gặp mặt các con nuôi về tạ ơn, mừng mệnh Then, diễn ra từ 3 - 5 ngày, cũng có thể dài hơn hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào số lượng con nuôi nhiều hay ít.

Các lễ vật treo lên cây pang làm bằng len, gấp bằng giấy: Hoa chuối rừng, các con giống, tổ chim én, biểu tượng trống, chiêng, quả còn, dải băng, cá… Cây pang phải có gốc, thân thẳng đẹp, không cụt ngọn, lá xanh tươi, đưa về dựng trong nhà nhưng không được chạm nóc. Bàn thờ Then được lau dọn sạch sẽ, trang trí hoa đuôi én, quả còn, đan thêm các con giống mới, biểu tượng trống, chiêng; hai cọc đỡ bàn thờ treo 2 hoa chuối biểu tượng cho hoa chuối trời. Trên bàn thờ đặt bánh kẹo, hoa quả, hương, dưới bàn thờ là nơi đặt lễ vật của các con nuôi, bà con về dự lễ. Mâm lễ trước bàn thờ Then gồm: Đồng bạc trắng, khăn xòe, lá trầu không, trứng gà sống, gạo, bát tô sứ, hương, chùm chuông tượng trưng cho chuông ngựa, hoa trung quân, cây nến nhỏ, đĩa, chén, gói gạo, gói muối, rượu, bát nước, điếu cày, đĩa trầu, cuộn vải dệt trắng lớn...

Nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ gồm: Đàn tính, nhạc xóc, trống, chiêng, chũm chọe. Trong suốt quá trình hành lễ, người làm Then đàn, hát theo các điệu then cổ như: Hát mạng, hát then, hát xao xên.

Khi mâm lễ của con nuôi được bày trước bàn thờ Then, chủ lễ thắp hương xin phép tổ tiên, Then gốc, các thần linh mường bản và mường Trời mở lễ hội Kin Pang Then. Chủ lễ thực hiện nghi lễ nhập đồng bằng xin quẻ âm dương, để dẫn nhập hồn Then, trình lý do mở lễ, mong các thần linh phù hộ cho bản mường no ấm hạnh phúc. Bắt đầu với lễ thức chúc mừng lễ Kin Pang Then, đàn hát điệu ra mắt, mời rượu, khấn tâm linh mời rước các thần linh, ghi nhận tâm thành và công lao của các con nuôi... Tiếp theo là niệm chú xin thông họng (cặm măn khọ púng); cầu Ải Tạo Nọi (Tạo Báo Nọi) cho các khớp tay mềm dẻo để đàn hay, múa dẻo; hát trình báo mâm lễ (lau chơng pạn then); hát khúc mở đường (đoóng tạng); hát dâng lễ thần núi (Pú khău sam bắc); hát mời vua Trời, vua Then về dự lễ (mời Pô Phạ, Pô Then)...

Buổi trưa, buổi tối và đêm, chủ lễ xin phép vua quan, thần linh nghỉ ngơi, để mọi người vui chơi, ăn uống. Ngoài thực hiện nghi lễ tạ Then của các con nuôi, tất cả người tham dự còn múa hát quanh cây pang trong tiếng chiêng, trống, tiếng đàn hát rộn ràng, người giúp việc của chủ lễ đứng vòng trong chúc rượu cộng đồng; các chị, các mẹ tung gạo tượng trưng cho cơn mưa; mọi người cùng chơi trò cày bừa, gieo hạt, chọi trâu, hái nấm và các trò chơi dân gian tung còn, chơi tó má lẹ, đánh cù.

Kết thúc nghi lễ, chủ lễ hát lời gọi âm binh và tiễn các quan Then về mường Trời (xúng páo xôông). Trở về mường Trần, chủ lễ hát lời cảm tạ và tiễn các thần linh, quan tạo bản mường, thầy của chủ lễ, hẹn năm sau lại về dự lễ...

Lễ Kin Pang Then đã bảo tồn, nuôi dưỡng và duy trì nghệ thuật hát then, hát dân ca, múa xòe, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, tri thức bản địa và các tín ngưỡng tâm linh cổ của người Thái trắng. Năm 2015, lễ Kin Pang Then đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn rhóa phi vật thể quốc gia.

Bài, ảnh: Huyền Lâm

Nguồn: http://www.baodienbienphu.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT