Non nước Việt Nam

Cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng người đồng bào Bana

Cập nhật: 11/08/2020 09:49:25
Số lần đọc: 914
Cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng và hấp dẫn của người đồng bào Bana, H’re nói riêng và của huyện miền núi An Lão nói chung. Ðể bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa này, mấy năm gần đây, ngành văn hóa và các cấp chính quyền ở huyện An Lão đã dành cho cồng chiêng sự quan tâm đặc biệt.  

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão hòa tấu cồng chiêng “Mừng ngày hội”.

Vừa qua, tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số lần thứ I năm 2020 do UBND huyện An Lão tổ chức, người xem không khỏi bất ngờ trước các tiết mục biểu diễn hòa tấu cồng chiêng đặc sắc do các em học sinh trình tấu.

Những mầm non

Ấn tượng, sống động và đậm đà bản sắc đó là nhận xét của nhiều giám khảo về bốn tiết mục do học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão và các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Hưng, Đinh Nỉ và Đinh Ruối biểu diễn tại Liên hoan. Các bài hòa tấu cồng chiêng do các em trình diễn thể hiện được nét thô mộc, chắc khỏe, tinh tế.

Tuy lần đầu tham gia một liên hoan cấp huyện, nhưng đội cồng chiêng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT An Lão đã thu hút sự chú ý của nhiều người khi biểu diễn tiết mục “Mừng ngày hội”. Các em có phong thái đĩnh đạc, di chuyển đồng đều, ăn khớp trong từng động tác. Đánh chiêng chắc tay, bước xoang đồng đều, dứt khoát. Không có gì bất ngờ khi đội cồng chiêng này giành giải A.

Ít “tuổi” hơn nhưng học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Hưng, Đinh Nỉ và Đinh Ruối cũng cho thấy khả năng và niềm say mê cồng chiêng. Ông Đinh Văn Giảng, giáo viên dạy Toán Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Hưng, chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường có một đội biểu diễn cồng chiêng với 37 học sinh tham gia. Đây là những em được tuyển chọn trong số 296 học sinh của trường. Trước đó, nhà trường lựa chọn và cử 7 em dự các lớp tập huấn, đào tạo cồng chiêng do Trung tâm VH-TT&TT huyện An Lão tổ chức. Sau khi học xong các em về hướng dẫn và tập luyện cho các bạn trong đội cồng chiêng của trường”.

Tự hào khi góp mặt trong đội biểu diễn cồng chiêng của trường, em Đinh Minh Phương, ở thôn 2, xã An Hưng (học sinh lớp 8A3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung Hưng), cho biết: “Ban đầu tiếp xúc với chiêng, tập những động tác gõ chiêng rất khó, nhưng được các anh, chị hướng dẫn, tập luyện dần em cũng quen và làm được. Sau này, em sẽ hướng dẫn lại cho các bạn, các em trong thôn để cùng nhau giữ nét văn hóa đặc biệt này”.

Những vụ mùa hứa hẹn phía trước

Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, phong trào cồng chiêng ở An Lão có bước phát triển đột biến từ năm 2019, khi tỉnh hỗ trợ cho huyện 44 bộ cồng chiêng để tặng 40 thôn, xã và trường học nội trú, bán trú. Đây là yếu tố quan trọng giúp UBND huyện An Lão mở 3 lớp tập huấn biểu diễn cồng chiêng vào đầu năm 2020, trong đó có 2 lớp dành cho đồng bào dân tộc thiểu số người H’re và một lớp dành cho đồng bào Bana, với 152 học viên tham gia. Nỗ lực của huyện bộc lộ kết quả rõ ràng tại Liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số lần thứ I năm 2020 vừa qua khi các đội cồng chiêng trẻ có nhiều tiết mục biểu diễn xuất sắc. Từ đây, các thế hệ đi trước và lớp trẻ kế cận thấy được cái  hay, nét đẹp văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người đồng bào dân tộc ở mỗi vùng./.

 

Nguồn: Báo Bình Định

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT