Tinh tế áo dài ngũ thân
Tinh tế
Áo dài ngũ thân được định hình từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, được xem là tiền thân áo dài ngày nay. Gọi là áo ngũ thân vì loại áo này được ghép bởi 5 vạt (5 thân) gồm 2 thân trước, 2 thân sau đối nhau ở trước ngực và sau lưng, thân thứ 5 ở phía trước nằm bên phải, trong thân thứ nhất.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, người Huế gọi là áo ngũ thân hay ngũ thể, với ý nghĩa tương truyền rằng, năm thân áo tượng trưng cho đạo lý cao đẹp của con người: bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”, thân trong tượng trưng cho người con. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân - nghĩa - lễ - trí - tín), ngũ luân (quân thần: vua - tôi, phụ tử: cha - con, phu phụ: chồng - vợ, huynh đệ: anh - em, bằng hữu: bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.
Áo dài ngũ thân nữ và nam may khá giống nhau, chỉ khác vài đặc điểm, như: cổ áo nữ thấp hơn nam, ống tay áo nữ hẹp hơn ống tay áo nam, vạt áo nam dài hơn áo nữ. Áo nam và nữ đều có 5 cúc, hàng cúc chạy theo vạt bên trái, phía trước rồi xuống eo. Ống tay được may nhỏ gọn hơn ống tay của áo tấc, áo giao lĩnh nên còn gọi loại áo này là áo ngũ thân tay chẽn.
Nhà thiết kế Quang Hòa cho hay, áo dài ngũ thân được may hai lớp, gồm lớp bên ngoài và lớp lót bên trong, thoải mái, tiện lợi, gọn gàng, kín đáo khi mặc. Kiểu dáng, kết cấu áo có công năng sử dụng cao, tạo cho người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai phong. Với áo nữ có thể tôn dáng, che khuyết điểm cơ thể. Tuy vậy, may áo dài ngũ thân rất kỳ công, giá thành lại cao hơn so với áo dài thông thường.
Phân tích giá trị của áo dài ngũ thân, họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt, chỉ rõ: “Cách may, mặc áo dài ngũ thân, nhất là với áo dài nam thể hiện rõ các đặc tính: Khiêm nhường, kín đáo, phong thái đĩnh đạc, thẩm mỹ tinh tế. Sự tinh tế còn thể hiện trên kỹ thuật may, như ghép hoa văn chỗ sống áo thật khớp, đường kim thẳng, nhỏ, đều, có chỗ được giấu kín không thấy đường chỉ khâu. Đường tà lượn, chân vạt áo có đường cong hình cánh cung rất sống động. Về góc độ mỹ thuật, các đặc điểm tạo hình tà, cổ, khuy, tay áo đều được tính toán rất kỹ lưỡng vừa phù hợp với công năng sử dụng vừa có thẩm mỹ. Trong các công đoạn may áo dài ngũ thân, công đoạn định hình của tà áo là công đoạn phức tạp nhất, bởi khi chiếc áo hoàn thiện, những vấn đề đẹp, xấu, cơ bản đều do công đoạn này mà ra”.
Nên được phổ biến
Hiện nay, không có nhiều người biết đến lịch sử, hình thức, đặc điểm thẩm mỹ của áo dài ngũ thân. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình cho rằng, hình ảnh về chiếc áo dài ngũ thân nguyên bản đã bị áo dài sân khấu chiếm lĩnh. Sự chiếm lĩnh này đi kèm sự tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ, thiếu tìm hiểu của người may và mặc. Với áo dài nam không còn giữ được những nét tạo hình và cách may, cách mặc như áo ngũ thân có từ thời Nguyễn, không còn giữ được những đặc điểm tinh tế của áo dài ngũ thân thuở ban đầu.
Với áo dài ngũ thân truyền thống, cần chú ý mặc đúng trước khi mặc đẹp. “Trang phục phải có sự đồng bộ từ khăn, áo, gồm áo lót trắng, áo dài, có thể còn có áo the phủ nếu mặc gấm, quần ống rộng, sáng màu. Nhưng hiện nay, nhiều người không chú ý tới cách mặc đúng mà quan tâm tới tính thuận tiện khi mặc: mặc áo dài không có khăn quấn đầu, không mặc áo lót trắng bên trong, mặc quần ống côn, hoặc quần jean bên trong...”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.
Ở Huế vẫn còn một số nghệ nhân, thợ may biết cách may áo dài ngũ thân, nhưng số đó không nhiều trong bối cảnh áo dài ngũ thân không được mặc phổ biến trong một thời gian dài. Theo đề xuất của họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Thừa Thiên Huế cần có biện pháp phục hồi nghề may áo dài ngũ thân, hình thành đội ngũ nghệ nhân lành nghề để tên tuổi, sản phẩm của họ gắn với thương hiệu Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam. Trong đó, cần có chế độ đãi ngộ thích đáng để thu hút nghệ nhân giỏi tham gia công tác truyền dạy.
Điều vui là, áo dài ngũ thân bắt đầu được quan tâm với sự ra đời của các nhóm yêu thích cổ phục trên khắp cả nước, như: CLB Đình làng Việt, Đại Việt cổ phong, Việt Nam cổ phục hội… Từ đó, nhen nhóm sự quan tâm, yêu thích chiếc áo dài ngũ thân của những người yêu văn hóa và một bộ phận giới trẻ ở Huế. Áo dài ngũ thân cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ mặc trong các dịp nghi lễ, ngoại giao để tôn vinh chiếc áo dài truyền thống.
Sự trở lại của áo dài ngũ thân cũng là động lực giúp nhà thiết kế Quang Hòa nghiên cứu, tìm hiểu cách may áo ngũ thân nam và nữ theo đúng quy cách. Bộ sưu tập “Dấu cũ” với các thiết kế được lấy ý tưởng theo họa tiết cung đình là nỗ lực của anh trong việc đưa áo dài ngũ thân trở lại với nơi đã sinh ra nó. Nhà thiết kế Quang Hòa chia sẻ: “Các nhà thiết kế, nghệ nhân, thợ may, những người yêu cổ phục ở Huế cần gặp gỡ, liên kết lại với nhau để cùng xây dựng, phát triển và lan tỏa thương hiệu áo dài ngũ thân”./.