Ca trù trên đất Hưng Yên
Nghệ nhân với những nét tinh hoa của nghệ thuật hátcatrùvà hát trống quân. (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Những ngày tháng 6/2020 có dịp về về thăm làng ca trù Đào Đặng, nơi có những ngôi đền thờ ca nương Đào Thị Huệ hiện trước mắt. Tại sân đền, các thành viên trong câu lạc bộ đang hăng say tập luyện, tiếng đàn, tiếng phách…cứ lúc trầm, lúc bổng.
Trong nhịp phách, những bậc cao niên trong làng kể về nguồn gốc nghệ thuật ca trù ở Hưng Yên. Nghệ nhân Đỗ Thị Thanh Nhàn, làng ca trù Đào Đặng, cho biết: “Ở quê hương Đào Đặng là cái nôi của quê hương ca trù. Bởi nơi đây có một người phụ nữ tài hoa đã dùng tiếng hát của mình để giết giặc Minh ngay trên quê hương yêu dấu của mình. Nên chúng tôi là con cháu của bà, gìn giữ nét văn hóa của toàn nhân loại, còn là mốc lịch sử đáng quý của quê hương nên chúng tôi cố gắng giữ gìn để truyền lại cho con cháu lịch sử quê hương.”
Ca trù Hưng Yên xuất hiện từ khá lâu và có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Trong trí nhớ của mình, nhiều bậc cao niên trong làng ca trù Đào Đặng vẫn luôn nhớ về một thời vàng son ấy. Nghệ nhân Đào Thị Thanh tự hào kể ngày ấy cả làng từ trẻ đến già ai cũng biết hát dăm ba điệu ca trù. Chập choạng tối lớn bé lại dắt díu nhau ra đình nghe hát. Những ca nương, kép đàn của làng nổi tiếng khắp vùng sông Hồng: “Chúng tôi cứ ra đường đê, cứ bắt đầu hát, gọi từ bên kia sang bên này. Chỉ có hát câu này “Bên kia có hát thì ra. Để anh chờ đợi sương sa lạnh lùng”. Thì người ta sẽ ra hát và cứ thế chúng tôi cứ hát từ tối cho đến sáng.”
Không chỉ hát trong các tổng, trấn… mà các đoàn hát ca trù ở Hưng Yên còn lên Kinh hát cho vua nghe. Tuy nhiên, theo thời gian và xu thế phát triển của xã hội, lớp nghệ nhân cũ mất đi, phong trào hát ca trù ở Hưng Yên dần mai một.
Năm 2009, ca trù Việt Nam đã được Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Với quyết tâm gây dựng, hồi sinh nét văn hóa ca trù trên đất Hưng Yên, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để ca trù không biến mất khỏi chính nơi mà nó sinh ra. Những người nông dân ban ngày quần quật làm việc ngoài đồng, tới tối lại hăng say bên cây đàn, cái phách.
Nhờ tâm huyết của các nghệ nhân-nông dân, đến nay, Hưng Yên có 3 câu lạc bộ hát ca trù với khoảng 100 thành viên, đa số là ca nương, đào kép ở những vùng có truyền thống như xã Vĩnh Khúc, xã Mễ Sở (Văn Giang), xã Bình Minh (Khoái Châu), xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên).
Nghệ nhân Trần Thị Độ, xã Vĩnh Khúc chia sẻ: “Chúng tôi lương lậu không có, chỉ có muốn dậy lớp nào thì cứ tự bỏ tiền túi ra chè thuốc. Rồi đi xa, phải hàng cây số để dạy các cháu học, chúng tôi cứ cố gắng như thế để giữ gìn lại chứ mình toàn lứa già, người thì 80, bảy mấy nếu mất đi không truyền lại thì không còn nghề nữa.”
Cách truyền dạy ca trù, trống quân hiện nay của các câu lạc bộ là người biết nhiều truyền cho người biết ít, người biết ít lại dạy cho người chưa biết. Đều đặn mỗi tuần, tiếng phách, tiếng trống chầu khoan nhặt hòa cùng giai điệu thánh thót của tiếng đàn đáy, tiếng hát luyến láy của ca nương.
Việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển ca trù, trống quân, ngoài tâm huyết của người dân, các nghệ nhân còn có sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương. Tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai chương trình "Bảo vệ di sản hát ca trù và hát trống quân”, theo đó hát ca trù, trống quân được phổ biến rộng rãi trong các lễ hội văn hoá của tỉnh, trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Hưng Yên. Các câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hưng Yên, Khoái Châu, Văn Giang thường xuyên tổ chức biểu diễn ca trù, trống quân để quảng bá đồng thời phục vụ du khách. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và truyền dạy, nâng cao trình độ cho các thành viên của các câu lạc bộ và hạt nhân ca trù trong tỉnh.
Cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự tâm huyết của các nghệ nhân, ca trù ở Hưng Yên đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu ở vùng đất giàu di tích lịch sử này. Những nỗ lực này nhằm tiếp tục khôi phục, giữ gìn và phát triển những giá trị đặc sắc về phong tục tập quán tốt đẹp, lề lối sinh hoạt văn hóa, đồng thời nâng cao nhận thức, lòng tự hào về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa hát ca trù trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.