Non nước Việt Nam

Con trâu trong văn hóa các cộng đồng bản địa Tây Nguyên

Cập nhật: 11/08/2020 08:50:40
Số lần đọc: 1056
Đối với các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, con trâu là tài sản ngang giá trong trao đổi, mua bán, đánh giá các giá trị tài sản quý và là sứ giả mang những khát vọng của cả cộng đồng gửi đến Yang và các thần linh. Từ đời sống, con trâu trở thành biểu tượng sự giàu có và sức mạnh xua đuổi các thế lực đen tối, xấu xa.

Biểu tượng đầu trâu trong kiến trúc, tạo hình, âm nhạc

Trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên (Bana, Giẻ Triêng, Cơ Tu, Gia-rai, Brâu…) con trâu có vai trò khá mờ nhạt. Trong khi nhiều cộng đồng dân tộc vùng núi phía Bắc, Tây Nghệ An – Thanh Hóa và nhất là người Kinh, con trâu được coi trọng “đầu cơ nghiệp” thì đối với các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, con trâu được coi trọng ở ý nghĩa tâm linh.

Về kiến trúc, tạo hình, biểu tượng con trâu, đầu trâu xuất hiện khá phổ biến. Mái nhà cộng đồng của nhiều dân tộc mang hình ảnh đầu con trâu. Nhà cộng đồng người Cơ Tu (được gọi là Gươl) mang hình ảnh của một con trâu khổng lồ. Nhìn từ xa, toàn bộ cấu trúc ngôi nhà Gươl này mô phỏng hình dáng con trâu, có bốn chân cao có đế vững chức, thân mình tròn, lưng có những đốt gai sống nhấp nhô. Sườn nhà chính là bộ gồm sống lưng là đòn nóc, hệ thống vì kèo là các xương sườn. Hai cái sừng hướng vào nhau nằm trên đỉnh của ngôi nhà. Trên mái nhà rông của người Giẻ Triêng cũng có biểu tượng của 2 chiếc sừng trâu vong vút.

Đặc biệt, ở các nhà mồ của các cộng đồng bản địa ở Tây Nguyên, hình ảnh con trâu, phổ biến là đầu trâu cũng xuất hiện với vị trí quan trọng. Tiêu biểu nhất là nhà mồ của người Cơ Tu. Mọi sinh hoạt đời sống, sản xuất, cuộc sống thường nhật của con người được tái hiện ước lệ ở đây nên sự xuất hiện hình ảnh đầu là điều dễ hiểu.. .

Trong âm nhạc truyền thống của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, chiếc tù và khá phổ biến. Được làm từ chiếc sừng trâu, tù và được người M’nông gọi là nung Ê Đê gọi là kipah và người Bana gọi T’diep. Xưa kia, nó vốn là vật dụng để các tù trưởng làm hiệu lệnh chiến đấu hay báo hiệu, thôi thúc tinh thần chiến đấu của các binh sĩ. Đặc biệt, trống da trâu ( H’gơr), nhạc cụ thiêng của người Ê Đê, mặt trống được bịt bằng da trâu sử dụng nguyên con, nguyên lông.

Con trâu – sứ giả và vật hiến sinh cao cả

Đối với các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, đâm trâu là một nghi thức linh thiêng được tổ chức trong những lễ hội truyền thống quan trọng của cả cộng đồng trong dịp mừng nhà mới, mừng chiến thắng, mừng vụ mùa thành công hay xua đuổi bệnh tật, mừng sức khỏe…. Nghi thức này người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Bana gọi nghi thức này là x'trǎng, người Gia-rai gọi là mnăm thu, ngườ Cờ Ho ở Lâm Đồng gọi là sa rơpu.

Con trâu trở thành vật hiến tế Yang, thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng để tạ ơn vì đã độ trì cho những chiến thắng, mùa màng bội thu, gia đình, cộng đồng khỏe mạnh, bình an… và cũng để cầu xin cho những điều tốt đẹp này luôn đến với mỗi con người, cộng đồng.

Mặt khác, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng đã truy tìm nguồn gốc biểu tượng, vai trò của con vật này trong đời sống của chủ thể văn hóa vùng Tây Nguyên. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra nghi thức hiến tế trâu gắn liền với tín ngưỡng nguyên thủy - tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa khu vực Đông Nam Á. Trong thần thoại của một số dân tộc bản địa người Tây Nguyên, con trâu còn là “Vật tổ” (một số tộc người có tục cưa răng cho giống tổ). Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng và là vật ngang giá để trao đổi, thách cưới, phạt vạ.

Các nghi thức hiến trâu ở các lễ hội truyền thống, tùy theo phong tục, tập quán cũng như điều kiện kinh tế và mỗi dân tộc mà lễ hội này được tổ chức vào những thời điểm, khoảng thời gian khác nhau. Tuy nhiên, các nghi thức này đều được tổ chức tại sân chung của cộng đồng, trước nhà cộng đồng và dưới chân cây nêu và con trâu được cột vào một cây cột gỗ hoặc tre. Các hành động hiến sinh trâu thường diễn ra hết sức mạnh mẽ, đó chính là sự cổ vũ tinh thần thượng võ, tôn vinh tinh thần chiến thắng được trao truyền từ xa xưa.

Cột buộc trâu được trang trí các liếp lát tre nứa có hoa văn, họa tiết màu sắc sặc sỡ và một con chim phượng hoàng gỗ. Người Gia-rai gọi cột này là ging ga, người gọi Ê Đê gọi là blang kbâo và người Bana là gưng sakapô.

Con trâu chọn để hiến tế phải được chọn lựa kỹ, khỏe mạnh, trước khi thực hiện nghi thức hiến tế phải được tắm rửa sạch sẽ. Đặc biệt, ở một số dân tộc, thường tổ chức tiễn biệt con trâu bằng nghi thức “khóc trâu”.

Con trâu được vỗ về, an ủi, được chia sẻ sự hy sinh cao cả này và cả sự thành kính, tiếc thương và biết ơn sâu sắc. Người Brâu còn dành hẳn một đêm để khóc trâu và trước khi thực hiện nghi thức hiến tế còn có nghi thức riêng để tôn vinh sự hiến sinh cao cả với sứ mệnh sứ giả kết nối thần linh của nó.

Sau nghi thức hiến sinh, đầu trâu được trưng trong nhà chung của cộng đồng hay treo lên cột nêu trước khi trưng tại đây.

Từ nghi thức hiến sinh trâu trong các lễ hội truyền thống, mối liên kết cộng đồng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên được củng cố bền chặt. Con người được giải tỏa thoát khỏi những vất vả, lo toan để cùng hướng về những điều tốt đẹp. Những phong tục tập được trao truyền gìn giữ từ những nghi lễ linh thiêng này. Biểu tượng văn hóa về con trâu trong kiến trúc, tạo hình cũng như da và sừng được chế tác thành nhạc cụ vì thế luôn được giữ gìn, tôn vinh./.

Nguồn: LangvietOnline

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT