Nắm lấy cây anh đào, Ấn Độ đẩy mạnh du lịch lễ hội hoa
Đó là tháng 3 năm 2014. Tiến sĩ Sahoo đang ở Shillong, thủ phủ của bang đồi núi phía bắc Meghalaya, để thuyết trình về trồng trọt và tận dụng rong biển để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vào lúc đó, một cây hoa xinh xắn đã thu hút sự chú ý của các nhà sinh vật biển khi nhìn qua cửa kính khách sạn.
Tiến sĩ Sahoo, 60 tuổi, đã quen thuộc với cây hoa anh đào từ những chuyến thăm Nhật Bản thường xuyên và lúc đó ông thấy một cây hoa anh đào không hoàn toàn giống với loại cây tại Nhật Bản và lại mọc tại Ấn Độ.
Ông đã hỏi một số người dân địa phương xem họ có biết gì về cái cây này không, nhưng họ biết rất ít. Nghiên cứu sâu hơn cho ông biết đó là một cây thuộc loài prunus cerasoides, một loài cây hoa anh đào đặc hữu của vùng Himalaya. Ông nghĩ rằng trong khi nhiều đám đông bị mê hoặc bởi những cây hoa anh đào nở rộ ở Tokyo, ông nghĩ rằng cây hoa anh đào đặc hữu này cũng có thể thúc đẩy du lịch và cơ hội phát triển kinh tế ở phía đông bắc, một trong những khu vực kém phát triển hơn của Ấn Độ.
Hoa anh đào nở tại Hồ Ward, một điểm đến du lịch tại Shillong. Ảnh: The Straits Times.
Thực tế thành công rực rỡ
Một ý tưởng dường như không thể thực hiện được đã nảy mầm trong ông vào ngày hôm đó. Tiến sĩ Sahoo nói với The Straits Times: "Tôi nghĩ nếu tôi quay trở lại phía đông bắc, tôi sẽ tổ chức một lễ hội hoa anh đào. Tôi đã nói rằng tôi sẽ biến điều đó thành hiện thực ở Ấn Độ."
Hơn tám năm trôi qua, và với sự hỗ trợ của chính quyền bang địa phương và nhiều bên liên quan để trồng hơn 60.000 cây hoa anh đào và đang tiếp tục nỗ lực của họ, tầm nhìn của ông Sahoo đang trở thành hiện thực.
Ấn Độ hiện có hai lễ hội hoa anh đào thành công hàng năm - một ở Shillong và một ở Mao Gate, thuộc Manipur (một bang khác ở phía đông bắc).
Loài cây từng chỉ phục vụ cho nhu cầu lấy gỗ của người dân địa phương nay được các nhóm tình nguyện viên bảo vệ. Một loại cây mà người dân địa phương từng trồng lẻ tẻ để phân chia các khu đất riêng lẻ giờ đây đã tô điểm cho những dải đất rộng lớn bên đường, công viên và các gò đồi.
Và hoa anh đào cũng không làm mọi người thất vọng. Với vẻ đẹp rực rỡ đầy mê hoặc của hoa vào đầu mỗi mùa đông - thường là vào cuối tháng 11 - những cây hoa này đang thu hút hàng nghìn du khách, thúc đẩy nền kinh tế địa phương và mang lại doanh thu rất cần thiết cho khu vực.
Ông A.Kaikho, thành viên ban tổ chức Lễ hội hoa anh đào Mao Gate cho biết: "Mọi người đều được hưởng lợi", đề cập đến cả người lái taxi, chủ khách sạn, nông dân trồng hoa và nhiều bên khác nữa.
Ra mắt vào năm 2017, lễ hội gần đây nhất được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24/11 với ước tính khoảng 40.000 lượt khách tham quan. Họ cũng đã được thưởng thức một loạt các buổi biểu diễn văn hóa và gian hàng ẩm thực.
Trong những năm qua, lễ hội đông người này thậm chí đã mở ra một thị trường lâu năm cho các loại rau và trái cây được trồng trong và xung quanh Mao Gate khi những người đi lễ hội truyền miệng về chất lượng hàng hóa địa phương.
"Chúng tôi đã nghe nói về vẻ đẹp của hoa anh đào mà nhiều người ở Nhật Bản tán dương, nhưng chúng tôi không nhận ra rằng chúng tôi cũng có vẻ đẹp hoa anh đào ở nước mình", ông Kaikho, người hiện đang đi khắp nơi để quảng bá giá trị loài cây này để giúp nhiều người dân địa phương nhận ra tiềm năng của chúng.
Nỗ lực lớn để đưa ý tưởng thành hiện thực
Lễ hội hoa anh đào đầu tiên của Ấn Độ đã diễn ra ở Shillong vào năm 2016. Tiến sĩ Sahoo, người đã chuyển đến đông bắc làm giám đốc Viện Nguồn sinh học và Phát triển Bền vững có trụ sở tại Imphal vào tháng 10 năm 2014 , đã nỗ lực xúc tiến lễ hội ở cả 2 địa điểm trồng hoa cùng với một số đồng nghiệp của mình.
Họ đã vận động lãnh đạo chính trị của các bang để nhận được sự ủng hộ và trồng một vài cây đầu tiên. Sau đó, họ làm việc với sở lâm nghiệp để tìm nguồn cung cấp thêm cây non từ tự nhiên và trồng chúng một cách chiến lược tại các địa điểm như tại Hồ Ward, một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng ở Shillong.
Nông dân cũng được khuyến khích trồng cây non để đảm bảo khả năng cung cấp rộng rãi hơn. Điều này hiện tăng thêm thu nhập của họ khi cây non được bán cho những người mua như Hội đồng làng để làm đẹp khu phố của họ.
Tiến sĩ Sahoo cho biết thêm: "Tôi muốn tạo ra một nền kinh tế xung quanh loài cây này và du lịch là một ngành phù hợp với môi trường sinh thái yếu của vùng đông bắc. Loài cây này nó có thể tạo ra việc làm, ngay cả khi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Đúng như tầm nhìn đó, Lễ hội hoa anh đào Shillong, hiện do Sở Du lịch Meghalaya quản lý, đã trở thành một địa điểm thu hút du khách trong khu vực. Vẻ đẹp của loài cây này thậm chí còn được Thủ tướng Narendra Modi tán dương trong một bài phát biểu công khai vào năm 2020.
Khi loài cây này đang được trồng thêm ở các bang Mizoram và Sikkim, cũng ở phía đông bắc, Tiến sĩ Sahoo hiện có kế hoạch nhân rộng thành công của hoa anh đào sang các vùng lạnh giá khác Ấn Độ - nơi chúng có điều kiện phát triển lý tưởng, chẳng hạn như bang Uttarakhand ở phía Bắc của Himalaya.
An Bình