Hoạt động của ngành

Nghĩa Phúc (Yên Bái) bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường

Cập nhật: 02/07/2019 08:09:00
Số lần đọc: 1065
Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) 35% dân số là đồng bào dân tộc Mường, sinh sống tập trung ở hai thôn Ả Thượng và Ả Hạ. Đến nay, người Mường ở Nghĩa Phúc đã bảo tồn được nhiều bản sắc dân tộc, từ những phong tục, tập quán tốt đẹp đến văn hóa, văn nghệ dân gian.

Biểu diễn điệu múa chai trong lễ ra mắt Nhóm bảo tồn tri thức bản địa xã Nghĩa Phúc.

Văn hóa dân tộc Mường ở xã Nghĩa Phúc được gìn giữ chủ yếu bằng hình thức trao truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Hiện, trong thôn, bản có nhiều người cao tuổi như: cụ Hoàng Thị Ỉn, cụ Đinh Thị Liền, cụ Đinh Văn Ọt, cụ Đinh Văn Nhàn... thường xuyên truyền đạt cho con cháu nhiều nét văn hóa dân tộc. 

Đến nay, các lễ hội truyền thống của người Mường như lễ hội khai hạ (xuống đồng), đâm đuống được tổ chức thường xuyên ở Nghĩa Phúc, bảo đảm đúng trình tự, nội dung, ý nghĩa. Văn nghệ dân gian, trong đó đặc biệt là các điệu múa truyền thống được người già truyền cho người trẻ. Nhiều điệu múa khó như múa châm mơi, đâm đuống, múa bát, múa chai... vẫn được các thế hệ chịu khó truyền dạy và tập luyện lĩnh hội để bảo tồn. 

Cụ Đinh Thị Liền ở thôn Ả Hạ bảo rằng: "Múa đuống là một trong những điệu múa khó của người Mường. Trong múa đuống, người múa "đuống cái” phải có hình thức đẹp, lại là người gương mẫu, được mọi người quý mến, khi múa phải cảm nhận được vai trò của người khởi xướng, mở đầu cho màn múa. Bởi thế, khi truyền dạy, tôi phải truyền đạt sao cho người múa hiểu được ý nghĩa điệu múa để thể hiện được ý nghĩa đó qua kỹ thuật và sắc thái biểu cảm của mình thì mới hay được”. 

Chị Dung Thị Chiên ở thôn Ả Hạ nằm trong đội văn nghệ của xã, thường được chọn múa "đuống cái” trong điệu múa đuống chia sẻ: "Lúc đầu được chọn múa đuống cái mình cũng hồi hộp, song nhờ tập luyện nhiều, hiểu ý nghĩa về múa đuống nên dần dần tự tin hơn và giờ thì múa rất tự nhiên, được người lớn tuổi trong thôn khen là múa tốt”. 

Các nhạc cụ, dụng cụ được sử dụng trong các điệu múa cũng được người dân hết sức gìn giữ. Chiếc đuống dùng trong điệu múa đuống đến nay đã được hơn 100 năm hiện còn được lưu giữ, bảo quản tại gia đình người cao tuổi ở thôn Ả Hạ. Trong điệu múa chai, những chiếc chai sử dụng làm dụng cụ múa cũng được giữ gìn đến nay được 50, 60 năm...

Cùng với trao truyền các lễ hội, các điệu múa dân gian, những người già, người am hiểu văn hóa dân tộc Mường còn thường xuyên truyền dạy và bảo ban con cháu giữ gìn những phong tục tốt đẹp trong đời sống như: trang phục, ẩm thực, văn hoá ứng xử. 

Hiện nay, hầu hết người Mường trong xã đều có trang phục truyền thống, không chỉ sử dụng trong những dịp lễ, tết mà vẫn được mặc thường ngày. 

Trong văn hóa ứng xử hiện nay, phụ nữ dân tộc Mường giữ được văn hóa chào hỏi truyền thống: khi khách vào trong nhà, người phụ nữ Mường sẽ ngồi sụp xuống, khép 2 đùi về một bên và 2 tay chắp lại chào khách thể hiện sự kính trọng, mến khách của chủ nhà...

Những năm qua, xã Nghĩa Phúc nói riêng và thị xã Nghĩa Lộ nói chung đã có nhiều hình thức bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường như: hỗ trợ tổ chức lễ hội khai hạ vào ngày mùng 7 tết âm lịch hàng năm, đưa văn hóa dân tộc Mường vào chương trình diễu diễn đường phố trong các tuần văn hóa - du lịch Mường Lò, xây dựng thôn bản văn hóa gắn với bảo tồn văn hoá truyền thống...

Mới đây, xã Nghĩa Phúc đã ra mắt "Nhóm bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Mường” gồm 20 thành viên là những người am hiểu, yêu thích văn hóa dân tộc Mường. Nhóm sẽ tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc Mường, thúc đẩy giao lưu văn hóa, văn nghệ với các dân tộc khác.

 

Nguồn: baoyenbai.com.vn

Cùng chuyên mục