Ninh Bình phát triển du lịch hiệu quả và bền vững
Du khách tham quan tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Phát huy tiềm năng
Từ khóa “du lịch Ninh Bình” những năm gần đây tăng vượt trội trên các công cụ tìm kiếm trên Internet. Bởi nhắc đến Ninh Bình là người ta nghĩ đến một tỉnh với đa dạng các tiềm năng về du lịch như rừng, núi, sông hồ, đất ngập nước, đồng bằng và duyên hải, tạo nên nhiều hình thái cảnh quan, hệ sinh thái độc đáo, đa dạng có giá trị nổi bật thu hút du khách.
Có thể nói, đặc điểm địa hình và hệ sinh thái của Ninh Bình tạo nên hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc, đa dạng và nổi bật phù hợp với các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái rừng, núi, hang động, biển, đất ngập nước, suối khoáng, đồng quê… như Vườn quốc gia Cúc Phương, Danh thắng Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vân Long, Kênh Gà…
Chiều sâu văn hóa, lịch sử gắn với lối sống, tôn giáo và hệ thống di tích hòa đồng với hệ sinh thái cảnh quan đã hình thành hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn gắn với các địa danh, di tích, lễ hội, ẩm thực, làng nghề… như Bái Đính, Hoa Lư, Phát Diệm… là cơ sở hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh đặc sắc.
Dựa trên thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, du lịch Ninh Bình những năm qua có bước phát triển vượt bậc. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu, điểm du lịch mới với nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ giải trí được đưa ra phục vụ du khách. Hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng ngày được mở rộng quy mô và nâng dần về chất lượng. Hiệu quả kinh tế về du lịch tăng mạnh những năm gần đây thể hiện ở số lượng khách tham quan và tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch, năm 2019, khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018. Trong đó, khách nội địa đạt 6,68 triệu lượt khách, tăng 3,9% so với năm 2018; khách quốc tế: 970 nghìn lượt khách, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018.
Doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Riêng trong 8 tháng đầu năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên ngành Du lịch bị thiệt hại nặng nề, toàn tỉnh ước đón được 1,87 triệu lượt khách, đạt 30,3% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 1.067 tỷ đồng, bằng 38,03% so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sự phát triển của du lịch Ninh Bình thời gian qua vẫn đang ở bước tăng trưởng ban đầu. Đó là sự gia tăng về quy mô đáp ứng nhu cầu lượng khách du lịch tăng nhanh. Tăng trưởng du lịch chủ yếu về lượng dựa vào đầu tư mở rộng. Giá trị sản phẩm du lịch chưa cao và chưa phát huy hết giá trị đặc sắc của tài nguyên du lịch, hiệu quả kinh tế du lịch còn chưa xứng với tiềm năng.
Ngoài ra, những yếu tố về hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất phục vụ du lịch thiếu đồng bộ và hiện đại cùng với lực lượng lao động du lịch phần đông còn thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống doanh nghiệp du lịch được hình thành và mở rộng nhưng chưa có doanh nghiệp lữ hành đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh vươn đến các thị trường xa để thu hút khách. Sự thiếu đồng bộ về chính sách, nguồn lực đầu tư hạn chế, xung đột lợi ích liên ngành với du lịch, nhận thức du lịch chưa thích ứng kịp… đang là những rào cản, thách thức đối với phát triển du lịch Ninh Bình.
Tầm nhìn chiến lược
Mặc dù còn nhiều khó khăn song với sức bật mạnh mẽ trong những năm qua có thể khẳng định rằng, du lịch Ninh Bình đang nổi lên với sức tăng trưởng mạnh mẽ, tương lai sẽ trở thành một trong những điểm đến đặc sắc trong vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông bắc.
Theo Quy hoạch tổng thể: “Đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, ngành Du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển”.
Ngành Du lịch cũng phấn đấu đến năm 2025, thu hút khoảng 8-9 triệu lượt khách, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp.
Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát triển giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; áp dụng rộng rãi hệ thống du lịch thông minh, khẳng định Ninh Bình là điểm đến an toàn, thân thiện và mến khách.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Ninh Bình đã xác định cần đổi mới các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng và nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình. Theo đó, đẩy mạnh liên kết, mở rộng hợp tác phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển gắn kết du lịch Ninh Bình với các địa phương trong cả nước và khu vực.
Cơ cấu lại thị trường khách du lịch đến Ninh Bình, tập trung khai thác thị trường khách du lịch từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và mở rộng thị trường đến các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, khu vực Tây Nguyên. Tăng cường liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để mở rộng phát triển thị trường khách du lịch quốc tế ở các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, úc…
Ngành Du lịch cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn bồi dưỡng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý theo hướng tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề qua đào tạo, có tính chuyên nghiệp cao. Đến năm 2025, ngành Du lịch Ninh Bình phấn đấu cơ bản đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo về chất lượng. Đào tạo nguồn nhân lực hướng tới tiêu chuẩn trình độ kỹ năng của khu vực và quốc tế.
Tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực thích hợp đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch. Đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch một cách đồng bộ, có chất lượng cao với các sản phẩm du lịch đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhà nước có chính sách khuyến khích đầu tư hệ thống khách sạn cao cấp, đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao, 8 đồng bộ về các dịch vụ; các dự án đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế xanh, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện. Đẩy mạnh triển khai phổ biến quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch.
Đồng thời thực hiện giải pháp lắp camera tại một số địa điểm có đông khách du lịch, tăng cường hiệu quả các đường dây nóng phục vụ khách du lịch, hình thành hệ thống kiểm soát an ninh, an toàn các khu, điểm du lịch kết nối với trung tâm hỗ trợ du khách.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động du lịch, quản lý điểm đến, quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, Ninh Bình định hướng phát triển du lịch thông minh gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ xanh - sạch - tái tạo.