Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch
Bên cạnh việc làm tốt công tác rà soát, lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo đúng quy định, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, không chạy theo số lượng; quan tâm đến xúc tiến đầu tư tại chỗ; chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả và hạn chế những dự án có giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không xúc tiến, thu hút đầu tư những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, thâm dụng lao động và nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Những năm qua, lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các tập đoàn và doanh nghiệp lớn, gặp gỡ những nhà đầu tư tiềm năng trong nước và nước ngoài để quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh; mời đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp đến làm việc, tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư.
Việc xây dựng danh mục dự án được cập nhật liên tục và kịp thời, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội...
Trong đó, ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư các dự án vào khu vực có tiềm năng phát triển du lịch như: Khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo 2, Đầm Vạc, Đại Lải, Vĩnh Thịnh – An Tường, các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dọc dãy núi Tam Đảo...
Nhằm tạo bước đột phá, xây dựng được các khu du lịch tầm cỡ, có tính cạnh tranh cao, UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy xác lập Công ty Cổ phần đầu tư Lạc Hồng là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch tại khu vực Tam Đảo 1 và Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải là nhà đầu tư chiến lược tại khu vực vùng hồ Đại Lải.
Chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp thoát nước…; chỉ đạo các cấp, ngành nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch...
Quá trình triển khai dự án, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, chính quyền các cấp phối hợp với nhà đầu tư đào tạo và ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương vào làm việc trong các khu du lịch chất lượng cao.
Hỗ trợ cộng đồng dân cư vùng dự án trong việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như đường giao thông, trường học, công trình văn hóa…
Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ người dân tham gia hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ; tạo việc làm mới cho người đi lao động nước ngoài theo cơ chế, chính sách của tỉnh…
Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tỉnh thu hút 29 dự án mới đầu tư vào lĩnh vực du lịch; 5 dự án tăng vốn.
Trong đó có một số dự án tiêu biểu như: Dự án Flamingo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng; Dự án Tam Đảo II của Sun Group với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.987 tỷ đồng; dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc (giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng); một số dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, Khu du lịch Tam Đảo I đã đi vào hoạt động và thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Với những cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, hiện nay, có thêm nhiều tập đoàn lớn đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh như:
Tập đoàn Doji đang nghiên cứu đầu tư vào khu vực Hồ Xạ Hương huyện Tam Đảo; Công ty TNHH An Thịnh Vĩnh Phúc nghiên cứu đầu tư vào sân golf Bàn Long (huyện Tam Đảo) và sân golf Gia Khau (huyện Bình Xuyên); Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đang tiếp tục triển khai đầu tư vào khu du lịch sinh thái tại khu vực hồ Thanh Lanh (Bình Xuyên)… và nhiều nhà đầu tư có uy tín khác đang nghiên cứu đầu tư vào khu vực có tiềm năng như Đầm Rưng (huyện Vĩnh Tường), Hồ Vân Trục (huyện Lập Thạch), hồ Bò Lạc (huyện Sông Lô)… hứa hẹn một ngành du lịch phát triển mạnh mẽ và sớm trở thành nền kinh tế mũi nhọn như mục tiêu đề ra.
Bài, ảnh: Lê Minh