Phát triển du lịch ở Bản Phùng (Hà Giang)
Một góc xã Bản Phùng.
Từ thị trấn Vinh Quang, dọc theo Tỉnh lộ 177 đi huyện Xín Mần; đến km 16, chúng tôi rẽ lên con dốc nhỏ vắt ngang lưng núi để đến trung tâm xã. Đường lên Bản Phùng mùa này thắm sắc hoa rừng cùng tiếng róc rách của những con suối; xa xa, những nếp nhà bình yên điểm xuyến giữa tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang, khiến khung cảnh nơi đây rất đẹp và nên thơ. Sự trù phú của ngút ngàn sóng lúa hòa quyện màu xanh của núi rừng và lòng nhiệt thành, mến khách của đồng bào đã tạo nên sức hấp dẫn riêng.
Qua lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi vượt dốc, tìm đến điểm ngắm cảnh đẹp và độc đáo nhất Bản Phùng - thôn Na Léng. Từ trên đỉnh núi, phóng mắt ra xa là khung cảnh núi non kỳ vĩ, những mái nhà bình yên nép mình bên thửa ruộng bậc thang thoắt ẩn thoắt hiện trong mây lãng đãng giăng ngang đầu núi. Bản làng như bồng bềnh trôi giữa nhịp sống chậm của miền sơn cước, đẹp tựa bức tranh thủy mặc, làm vương vấn bước chân lữ khách.
Cùng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Bản Phùng còn hấp dẫn du khách bởi nét văn hóa đặc trưng của tộc người La Chí. Người La Chí chiếm 96% dân số nơi đây và còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó độc đáo nhất phải kể đến Lễ cúng Hoàng Vần Thùng và Tết Khu Cù Tê. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, khi cây lúa, cây ngô đã lên xanh tốt, bản làng lựa chọn ngày mổ trâu để cúng Tổ tiên trong ngày Tết Khu Cù Tê. Lễ cúng kết thúc, chiêng, trống nổi lên, bà con mời khách gần xa cùng ăn thịt trâu do dân bản nuôi, ăn xôi được thổi từ gạo dân bản gieo trồng trên những thửa ruộng bậc thang màu mỡ, cùng uống rượu ngọt như tấm lòng thảo thơm của người La Chí. Ngoài ý nghĩa tâm linh sâu sắc, Tết Khu Cù Tê còn trở thành điểm nhấn văn hóa riêng biệt, thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Dừng chân tại homestay của anh Vương Quế Phong, thôn Tô Meo, người con của dân tộc La Chí tiên phong làm dịch vụ tại Bản Phùng. Trong ngôi nhà sàn bê - tông mới dựng, anh hồ hởi cho biết: “Ngôi nhà này có thể phục vụ tối đa 60 người. Từ hơn chục năm về trước, tôi đã nhen nhóm ý tưởng làm du lịch, ban đầu là hướng dẫn du khách đến các điểm thăm quan, nếu họ có nhu cầu, tôi sẽ đưa họ về ăn, nghỉ tại gia đình. Mấy năm gần đây, được sự hướng dẫn, khuyến khích của lãnh đạo xã, tôi mạnh dạn dựng ngôi nhà sàn bê - tông để phục vụ du khách tốt hơn”. Ngoài gia đình anh Phong, ngày càng có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà nghỉ cộng đồng như gia đình anh Phạm Đức Hiếu, Long Văn Cảm… vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã Bản Phùng Triệu Tiến Quang, cho biết: BTV Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, giai đoạn 2018 – 2025. Trong đó, tập trung hoàn thiện một số điểm ngắm cảnh tại các thôn: Na Léng, Cum Pu, Na Pha, Lủng Cẩu. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về cách làm du lịch. Rà soát, quy hoạch địa điểm ăn nghỉ, các tuyến đi bộ, kết nối với các tour, tuyến du lịch trong huyện, từng bước hình thành chuỗi liên kết phát triển du lịch. Tích cực huy động nguồn lực, xây dựng hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển du lịch. Tư vấn, hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào những dịch vụ thiết yếu như địa điểm ăn uống, phục vụ lưu trú cho du khách… Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng như gạo đỏ đặc sản của địa phương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…