Phú Thọ: Tích cực triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững
Biểu diễn Hát Xoan tại phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, thành phố Hà Nội (tháng 11/2023)
Xác định mục tiêu là phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng Đất Tổ, với 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ nên Phú Thọ coi đây là điểm độc đáo, hấp dẫn để tạo sự chú ý, thu hút đối với du khách. Đồng thời, xây dựng thương hiệu du lịch “Phú Thọ - Về với cội nguồn dân tộc” để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Theo thống kê, Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó 323 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng, 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến Hát Xoan, 5 bảo vật quốc gia, 311 lễ hội truyền thống, 41 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu. Đây là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa tiềm năng để xây dựng thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Việc đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên du lịch trong những năm gần đây đã tạo điều kiện để Phú Thọ phát triển du lịch, xây dựng những mô hình sản phẩm độc đáo. Tiêu biểu như tour du lịch học đường “Hướng về nguồn cội” với điểm đến là các di tích lịch sử; tour du lịch quốc tế đường sông “Du lịch văn hóa di sản - trải nghiệm làng nghề” đưa du khách đến với Bạch Hạc - Hùng Lô - Gia Thanh; tour du lịch: “Khám phá vẻ đẹp thiên nhiên miền Đất Tổ” với lịch trình Vườn Quốc gia Xuân Sơn - đồi chè Long Cốc - khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp của Wyndham Lynntimes, Vua Resort & Villas, Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thuỷ Resort, Bamboo Resort… đã tạo ấn tượng mạnh cho du khách khi về với Đất Tổ cội nguồn.
Cùng với đó, Phú Thọ là một thành viên chủ chốt của nhóm Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động liên kết của nhóm đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng, giúp du lịch phát triển bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh “Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc: Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - Phú Thọ - Lai Châu - Sa Pa, Bảo Yên (Lào Cai) - Quảng Bình, Đồng Văn (Hà Giang)”.
Giới thiệu về du lịch Đất Tổ tại Liên hoan Làng du lịch cộng đồng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2023 tại Hòa Bình
Thông qua các việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ hằng năm vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; các Hội chợ du lịch, Liên hoan Văn hóa ẩm thực; tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Phú Thọ… đã góp phần kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Phú Thọ.
Năm 2023, tổng doanh thu du lịch dịch vụ đạt 3.365 tỉ đồng, ước đạt 108,5% kế hoạch năm, tăng 27% so với năm 2022; 776.000 lượt khách lưu trú, tăng 13,3% so với năm 2022. Trong đó khách quốc tế đạt 8.860 lượt, tăng 18,1%; 860.400 ngày khách, tăng 18,7% so với năm 2022.
Năm 2024, du lịch Phú Thọ phấn đấu đạt tổng doanh thu du lịch dịch vụ 3.700 tỷ đồng; khách lưu trú: 800.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 9.500 lượt. Chỉ tính riêng trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn (từ ngày 8 - 14/2/2024, tức từ ngày 29/12 đến hết 5/1 âm lịch), Phú Thọ đón khoảng 564,2 nghìn lượt khách du lịch và Nhân dân tham quan, tăng gần 3 lần so với năm 2023; khách lưu trú ước đạt 11.180 lượt khách, công suất sử dụng buồng của cơ sở lưu trú du lịch trung bình khoảng 45%; ngày cao điểm tại một số cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện Thanh Thủy ước đạt khoảng 90%; doanh thu dịch vụ du lịch đạt khoảng 121,8 tỷ đồng. Đây là những tín hiệu khả quan và kỳ vọng cho các hoạt động du lịch Phú Thọ sẽ có nhiều khởi sắc trong năm mới 2024.
Bà Vũ Thị Hoài Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2024, ngành Du lịch tỉnh đẩy mạnh xây dựng và phát triển điểm du lịch, các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa vùng đất Tổ; tăng cường các hoạt động đào tạo nhân lực du lịch; đổi mới các hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác phát triển du lịch góp phần nâng cao hình ảnh du lịch Phú Thọ trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực. Tập trung hướng dẫn các đơn vị, địa phương, các đơn vị lữ hành xây dựng chương trình phát triển sản phẩm du lịch học đường, giáo dục di sản văn hóa cho sinh, sinh viên tại các huyện, thành, thị. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân tích cực tham gia hoạt động du lịch, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện, mến khách. Khảo sát, đánh giá, đề xuất lựa chọn hỗ trợ xây dựng khu, điểm, sản phẩm du lịch theo Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh tập trung xây dựng, phát triển văn hóa, con người Phú Thọ và một số loại hình du lịch mới để thu hút du khách, đồng thời tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động phát triển du lịch thông minh, thực hiện quảng bá du lịch trên nền tảng công nghệ 3D, 4D; xây dựng hệ thống mã QR, sử dụng công nghệ thuyết minh tự động tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh... Từ đó, thông qua các ứng dụng số, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của khách du lịch trên các nền tảng thông tin đó.
Cùng với đó, năm 2024, Phú Thọ là trưởng nhóm Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong nhóm hợp tác xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh và thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức Festiaval “Tinh hoa Tây Bắc năm 2024” và tham gia các hoạt động, sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch năm 2024.
Thu Hương