Chuyển đổi số ngành du lịch Thừa Thiên Huế: Phải đồng bộ, thống nhất
Hệ thống vé điện tử được áp dụng tại điểm tham quan Đại Nội - Huế. Ảnh: Minh Hiền
Đẩy nhanh nhưng phải đồng bộ
So với giai đoạn trước, ngành du lịch Thừa Thiên Huế thời gian qua đã cho thấy nhiều thay đổi trong công tác chuyển đổi số, tập trung vào các nền tảng, giải pháp để quản lý thông minh trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh các sản phẩm du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping thì ngành du lịch cũng xây dựng các tiện ích phục vụ tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán không dùng tiền mặt… Mới đây, ứng dụng Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport vừa ra mắt, nhằm giúp du khách ứng dụng công nghệ để khám phá những địa điểm du lịch Huế nổi tiếng, mang lại những trải nghiệm mới lạ, độc đáo cho du khách.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số ngành du lịch để mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, bài toán đặt ra trong công cuộc kiến tạo và khai thác dữ liệu số như doanh nghiệp dịch vụ, đơn vị lữ hành chưa quan tâm ứng dụng công nghệ mới phục vụ du khách; sự tham gia số hóa, cập nhật thông tin của một số ngành, doanh nghiệp còn hạn chế.
Du khách quốc tế đến Huế
Không chỉ riêng Huế mà vấn đề trên cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, hiện nay, các doanh nghiệp du lịch lớn, các khách sạn và resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như: nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu. Điều đó dẫn đến “bức tranh” chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Mặc dù hầu hết doanh nghiệp đều nhận thấy được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số, nhưng nhiều doanh du lịch vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Đối với Thừa Thiên Huế, bài toán trên thực sự là nỗi lo khi đa phần doanh nghiệp du lịch đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thực trạng trên làm quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hiện còn chưa đồng bộ và thống nhất. Các đánh giá từ giới chuyên môn cũng cho rằng, nhìn chung, những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.
Đồng bộ và thống nhất
Theo đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 82/NQ-CP, trong năm 2023 Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách. Nhiều nhóm nhiệm vụ chủ yếu được triển khai, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số dùng chung trong toàn ngành, trong đó có nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch, hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện…; phổ biến tài liệu mới hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Hai năm gần đây, Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã phối hợp với các sở quản lý du lịch tổ chức tập huấn chuyển đổi số du lịch tại trên 20 địa phương. Mục tiêu là thống nhất nhận thức và hành động thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành theo chủ trương chung của Chính phủ, đồng bộ với hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, giúp tiết kiệm nguồn lực, tránh manh mún, rời rạc.
Bên cạnh những giải pháp từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, rõ ràng trách nhiệm của ngành du lịch địa phương, của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Phải có sự hợp lực từ các bên liên quan để tạo ra sự đồng bộ và thống nhất thì công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch mới có thể được đẩy nhanh và đảm bảo tính hiệu quả.
Để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, việc tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch là rất cần thiết. Cần tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu - điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…
Các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7.
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện ngành du lịch đang có nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số. Những nội dung đào tạo kỹ năng số cho doanh nghiệp du lịch được triển khai thường xuyên hơn, phù hợp với các điểm đến để doanh nghiệp dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, mở rộng cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ internet, thúc đẩy du lịch.
Bài, ảnh: Hữu Phúc