Hoạt động của ngành

Phục dựng, tạo bản sắc cho lễ hội ở Bắc Kạn

Cập nhật: 05/03/2024 11:32:48
Số lần đọc: 743
Đời sống được nâng lên, nhu cầu vui chơi, giải trí, nhất là ở các lễ hội vui Xuân ở Bắc Kạn ngày càng phát triển. Xuân Giáp Thìn năm nay ở địa phương này đã diễn ra hàng loạt lễ hội ở cấp xã, cấp huyện.


Tái hiện hoạt cảnh lễ hội tại lễ hội lồng tồng Phủ Thông năm 2024. (Ảnh: Lê Trang)

Điều đáng mừng là phần lớn các lễ hội này đều đã phục hồi cơ bản theo nguồn gốc và sự tích ra đời. Từ đó, lễ hội đã “gạt” ra bên lề những hoạt động không cần thiết để trở về gần nguyên gốc của nó.

Từng được mệnh danh là lễ hội "nhất chợ Phủ", nhưng nhiều năm qua, lễ hội lồng tồng Phủ Thông, huyện Bạch Thông lại chưa một lần tổ chức được đúng nhất bản sắc và danh tiếng vốn có của nó. Năm nay, điều này đã được thay đổi nhờ việc phục dựng trên cơ sở các nghiên cứu và sưu tầm bài bản.

Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn đã triển khai sưu tầm, nghiên cứu hệ thống những giá trị văn hóa tại Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông để bảo tồn, phục dựng, định hướng giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống, đồng thời tạo sản phẩm văn hóa độc đáo phục vụ phát triển du lịch.

Lễ hội Lồng tồng Phủ Thông năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 18-20 tháng Giêng. Nếu như các lễ hội lồng tồng khác ở Bắc Kạn thường gắn với tín ngưỡng thờ cúng thần linh, siêu nhiên, thì Lễ hội lồng tồng Phủ Thông lại gắn với sự kiện, nhân vật lịch sử có thật.

Năm 2024, lần đầu tiên kể từ khi được phục dựng, huyện Bạch Thông tổ chức nghi lễ cúng giỗ đền Slấn Slảnh theo truyền thống vào chiều 19 tháng Giêng.

Nghi lễ cúng giỗ tại Đền Slấn Slảnh, thờ tự một vị anh hùng có công với quê hương, xứ sở. Đây cũng là “linh hồn” của Lễ hội lồng tồng Phủ Thông, tạo nên sự khác biệt so các hội xuân khác.

Đền Slấn Slảnh là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh vào năm 2023.

Nét độc đáo và huyền bí này đã tạo nên sức hút với đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh. Chỉ trong vòng 3 ngày, lễ hội lồng tồng Phủ Thông đã thu hút khoảng 20.000 du khách, người dân tới dự, xem các hoạt động.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bạch Thông Hà Kim Oanh, cách thức tổ chức cho tới phạm vi, quy mô đều gắn với phục hồi bản sắc truyền thống của lễ hội. Đồng thời, lễ hội cũng là dịp để quảng bá văn hóa và các sản phẩm OCOP đặc sắc của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Một trong những lễ hội Xuân cấp xã độc đáo nhất ở Bắc Kạn là lễ hội xã Hà Vị (nay là xã Quân Hà), huyện Bạch Thông. Điểm nhấn trong lễ hội này, ít thấy ở những nơi khác là màn trình diễn múa Nộc Niệc.

Nộc Niệc là tên gọi tiếng Tày của chim phượng hoàng đất, một loài chim có thật. Múa Nộc Niệc là điệu múa đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến năm 1989 mới được những người cao tuổi sưu tầm. Từ năm 1995, điệu múa này được phục dựng lại trong dịp hội xuân.

Ngày xưa, múa Nộc Niệc được tổ chức cả tháng, nhưng ngày nay đã rút gọn xuống còn một ngày. Múa Nộc Niệc không chỉ đơn thuần để vui văn nghệ mà còn là nghi thức không thể thiếu trong khai hội lồng tồng (xuống đồng).

Hát Sli ở chợ tình Xuân Dương năm 2023. Ảnh: Xuân Nghiệp.

Kết thúc mùa lễ hội ở Bắc Kạn là phiên chợ tình ở xã Xuân Dương, huyện Na Rì diễn ra vào ngày 25/3 (âm lịch).

Tương truyền, "Chợ tình Xuân Dương", huyện Na Rì có lịch sử hơn 200 năm. Chợ tình độc đáo này khởi nguồn từ sự tích có đôi vợ chồng thương nhau thắm thiết. Một ngày nọ khi cùng đi làm ruộng ở cánh đồng Nà Lỳ (ruộng dài), vợ đầu ruộng, chồng cuối ruộng.

Khi mặt trời đứng bóng, chồng gọi vợ để về thì không thấy trả lời. Tìm mãi không thấy, chỉ thấy dấu tích của cuộc vật lộn. Sau người chồng mới biết, vợ đã bị một tên quan bắt đi.

Người chồng sống trong buồn bã, nguôi ngoai rồi lập gia đình mới. Người vợ nơi xa cũng lấy chồng khác. Tình cờ một ngày nọ hai người gặp lại nhau, mừng mừng, tủi tủi, nhưng không thể quay lại với nhau.

Ghi nhớ câu chuyện đau thương, xúc động này, dân làng đã lấy ngày 25/3 (âm lịch) để tổ chức chợ tình Xuân Dương tại chính cánh đồng Nà Lỳ. Chợ tình là nơi để những người không đến được với nhau gặp nhau ôn kỷ niệm, chia sẻ, động viên cũng là nơi để nam thanh, nữ tú tìm hiểu nhau.

Cái tên Nà Lỳ sau này đọc chệch thành Na Rì, chính là tên của huyện Na Rì hiện nay.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Na Rì, Chợ tình Xuân Dương luôn có sức hấp dẫn bởi sắc màu văn hóa vùng cao với điểm nhấn là những câu chuyện tình được kể bằng điệu Sli mượt mà. Sau khi được nghiên cứu, lập hồ sơ, năm 2021, hát Sli của người Nùng ở Xuân Dương đã được công nhận nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Bắc Kạn hiện có tổng số 127 lễ hội, trong đó có 100 lễ hội truyền thống, hội xuân cấp huyện, xã và 27 lễ hội văn hóa truyền thống cấp thôn. Lễ hội truyền thống ở Bắc Kạn luôn giữ được những nét văn hóa riêng có, đậm đà bản sắc, đồng thời tuân thủ theo những quy tắc nhất định trên cơ sở quy ước chung của cộng đồng.

Những năm gần đây, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Bắc Kạn được quan tâm chú trọng. Những huyền tích, giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc được phục dựng, bảo tồn đang tạo nên nét đặc sắc cho lễ hội Xuân ở Bắc Kạn.

Một số lễ hội truyền thống được phục dựng, duy trì tổ chức, như Lễ hội Lồng tồng các xã Nam Mẫu, Mỹ Phương, Chu Hương, Yến Dương, Cao Thượng, Đồng Phúc (Ba Bể); Bằng Vân (Ngân Sơn); xã Hà Vị, thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông); lễ hội cầu năm mới, cầu mùa của người Dao xã Đổng Xá và lễ hội Lồng tồng Bản Pjoo xã Sơn Thành (Na Rì)…

Trình diễn múa bát với 200 diễn viên quần chúng tại Hội Xuân ATK (An toàn khu) Chợ Đồn. (Ảnh: Vũ Giang)

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn, từ Tết 2024 đến nay, tỉnh đã đồng ý cho tổ chức 4 lễ hội quy mô cấp huyện, gồm: Lễ hội lồng tồng Ba Bể; Lễ hội Mù Là (Pác Nặm); Hội Xuân An toàn khu Chợ Đồn và Lễ hội lồng tồng Phủ Thông. Nhiều lễ hội Xuân cấp xã cũng được tổ chức.

Ngoài việc phục dựng các nghi lễ truyền thống, các lễ hội còn đưa thêm những hoạt động mang tính bản sắc khác. Nổi bật là việc ở cả 4 lễ hội cấp tỉnh đều có màn trình diễn múa bát quy mô từ 100-300 diễn viên.

Múa bát của người Tày Bắc Kạn mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vì vậy, màn trình diễn này không chỉ tạo điểm nhấn thường niên vào lễ hội Xuân hằng năm, mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa đặc sắc.

Bắc Kạn hiện đang chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương tiếp tục nghiên cứu, phục dựng và lựa chọn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu để cách điệu nội dung hoạt động của lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Tỉnh cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, đãi ngộ và tôn vinh các nghệ nhân dân gian nắm giữ, truyền dạy và có công bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong hoạt động lễ hội.

Tuấn Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 05/03/2024

Cùng chuyên mục