Hoạt động của ngành

Quảng Trị: Khai mạc Lễ hội Văn hóa - Thể thao - Du lịch các dân tộc huyện Đakrông năm 2019

Cập nhật: 20/05/2019 09:17:13
Số lần đọc: 1123
Sáng ngày 18/5/2019, huyện Đakrông tổ chức khai mạc Lễ hội Văn hóa- Thể thao- Du lịch các dân tộc huyện Đakrông lần thứ II, năm 2019.


Một tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa trình diễn trong Lễ hội

Đakrông là huyện miền núi, biên giới nằm phía Tây Nam của tỉnh Quảng Trị, nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, bên dòng sông Đakrông huyền thoại. Nơi đây một thời là chiến khu, căn cứ cách mạng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua 22 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày 1/1/1997, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu, huyện Đakrông đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, phát triển, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, phát huy.

Bên cạnh truyền thống đấu tranh cách mạng, Đakrông còn được biết đến với những giá trị văn hóa, bản sắc độc đáo trong các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, đó là: Chữ viết Bru- Vân Kiều; lễ hội đâm trâu, lễ hội A Riêu Ping, lễ cầu mùa, uống rượu thề…. Các nhạc cụ truyền thống như: Cồng chiêng, đàn Ta Lư, khèn bè… cùng các làn điệu dân ca, hò vè như: Ka lơi, Cha chấp, A Dên, Tà oải, tục đi sim; các môn thể thao truyền thống như: Đẩy gậy, bắn nỏ, đi cà kheo; những bộ trang phục truyền thống độc đáo… đã phản ánh đời sống phong phú, đa dạng, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu bản làng vẫn vang lên trong các lễ hội, trong lao động sản xuất và đời sống hàng ngày của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn. Đakrông còn có nhiều làng nghề truyền thống với các sản phẩm độc đáo như: Dệt thổ cẩm, đan lát, rượu cần, rượu Đoác, rượu men lá Ba Nang… đang được duy trì, phát triển thành thương hiệu của địa phương. Văn hóa ẩm thực cũng tạo nên hương vị hấp dẫn, đặc trưng của vùng đất, con người Đakrông như: Cơm lam, cháo Đoác, bánh Beng, A Quát, A Dơ…


Phiên chợ vùng cao với các gian hàng bày bán nông sản địa phương

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thảm thực vật phong phú, đa dạng, kết hợp với hệ thống sông, suối, hang động, vách đá như: Suối Chin Hinh, Thách Luồi, Thác Hiên, Động Ngài gắn liền với sông Đakrông tạo sự hứng thú, hấp dẫn, phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa, thể thao, khám phá, trải nghiệm, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Lễ hội Văn hóa- Thể thao- Du lịch các dân tộc huyện Đakrông là hoạt động có ý nghĩa, mang bản sắc riêng của huyện và nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, thiết thực kỉ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc Đakrông, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa, con người Đakrông tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá về văn hóa, mảnh đất, con người Đakrông, qua đó tạo điều kiện để du lịch Đakrông có bước phát triển, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế- xã hội; là cơ hội để huyện kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến với Đakrông, nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế của địa phương, đưa Đakrông phát triển bền vững. Trong khuôn khổ lễ hội cũng diễn ra chuỗi các hoạt động, gồm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc; hội trại; liên hoan ẩm thực truyền thống; các hoạt động thể thao; trưng bày giới thiệu các sản phẩm địa phương; trưng bày giới thiệu về mảnh đất, con người Đakrông; Hội chợ vùng cao tại Khu du lịch cộng đồng Klu…
 
Nguồn: quangtri.gov.vn

Cùng chuyên mục