Hoạt động của ngành

Quảng Trị: Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Cập nhật: 17/05/2019 09:29:07
Số lần đọc: 1378
Huyện Đakrông có 31 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 2 khu di tích cấp quốc gia là chiến khu Ba Lòng và đường Hồ Chí Minh; có 10 hang động lớn nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng diễn ra quanh năm; có hệ thống sinh thái rừng đặc dụng có giá trị cao như Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông; có thảm thực vật phong phú, đa dạng và quý hiếm, tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch khám phá.

Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, UBND huyện Đakrông đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Đakrông; thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phát triển du lịch. Thông qua các hội, đoàn thể đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa, phát động phong trào chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, ứng xử văn minh, thân thiện với du khách, đảm bảo an ninh, trật tự nơi cộng cộng và khu du lịch. Trong khai thác du lịch luôn tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên, làm nổi bật các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Nhân dân ở vùng du lịch đã có nhận thức về khai thác các giá trị, tiềm năng hiện có của địa phương để phát triển du lịch như các sản phẩm hàng nông sản, thủ công mĩ nghệ, văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường… 

Ngoài ra, huyện thường xuyên khuyến khích và tạo mọi điều kiện kêu gọi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào ngành du lịch trên địa bàn. Hiện nay, huyện Đakrông đã hoàn thiện quy hoạch đầu tư tôn tạo các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Chiến khu Ba Lòng, Di tích Quân đoàn 2, Trung đoàn 6 Phú Xuân tại xã Hải Phúc; tuyến du lịch Cửa khẩu quốc tế La Lay, di tích kiến trúc nhà dài truyền thống Pa Kô ở xã A Ngo… để phát triển du lịch. 

Năm 2018, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn, xác định vị trí quy hoạch đất cho các di tích lịch sử văn hóa để có phương án trùng tu, bảo tồn ở các điểm như: Khu vực An toàn khu tại xã Hải Phúc, Cụm di tích lịch sử xã Tà Long, Động Toàn, Khe Luồi xã Mò Ó, địa điểm Khe Đào Làng An xã Triệu Nguyên…Đồng thời lồng ghép việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch gắn với mục tiêu về phát triển văn hóa và xây dựng nông thôn mới, nhằm tăng hiệu quả phát triển hạ tầng cơ sở. Khuyến khích và tạo điều kiện về chủ trương, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư và huy động nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội nói chung và du lịch nói riêng. 

Tiếp tục bảo vệ, vận hành và sử dụng các cơ sở hạ tầng được các cấp, các ngành đầu tư xây dựng như: Nhà dài truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại trung tâm huyện, 16 nhà bản cổ tại bản Klu, xã Đakrông, bể tắm tại suối nước nóng và khu nhà nghỉ dưỡng Khu du lịch cộng đồng Klu, các điểm di tích lịch sử đường Trường Sơn huyền thoại, Khu di tích chiến khu Ba Lòng, các cơ sở kinh doanh… ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách. Khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa như lễ hội Ariêuping, mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng... tôn vinh đặc sản, ẩm thực vùng, sản phẩm có tính đặc trưng văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; sưu tầm và trưng bày các hiện vật có giá trị văn hoá tại Nhà truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương để tạo thành sản phẩm lưu niệm như dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá Pa Nang, đan lát... và các nông sản ở địa phương. 

Để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới huyện Đakrông tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch du lịch, bảo tồn, tôn tạo chống xuống cấp các hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch, chú trọng phát triển văn hóa cơ sở, văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Xây dựng kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch của huyện, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành du lịch; chú trọng hình thành lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kĩ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. 

Đồng thời tăng cường công tác quản lí của nhà nước đối với các hoạt động du lịch, gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho khách du lịch…/.

Nguồn: baoquangtri.vn
Từ khóa: Quảng Trị

Cùng chuyên mục