Hoạt động của ngành

Quảng Trị: Tìm hướng phát triển cho mô hình du lịch cộng đồng

Cập nhật: 13/11/2020 08:59:16
Số lần đọc: 1177
Mô hình du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa trên các giá trị văn hóa bản địa, do chính cộng đồng cư dân địa phương phối hợp cùng nhau xây dựng, phát triển, quản lý, hưởng lợi song song với bảo tồn thiên nhiên. Đây là mô hình mang lại nhiều giá trị vượt trội cho du khách khi được hòa cùng người dân trải nghiệm nét đặc sắc trong văn hóa vùng miền, đồng thời đảm bảo tính khai thác song song với bảo tồn thiên nhiên, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, để chuẩn bị đầy đủ điều kiện triển khai, phát triển mô hình này tại các địa phương đang là một bài toán khó.

Vườn hoa hướng dương ở Gio An là một trong những điểm đến yêu thích của nhiều người dân trong tỉnh - Ảnh: T.T​

Quy mô còn nhỏ lẻ

Một điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn, mới lạ thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh quan tâm thời gian gần đây là khu Năm mùa bungalow ở thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa do anh Hoàng Thông, doanh nhân người Huế đầu tư xây dựng. Anh Thông cho biết, ban đầu anh chỉ dự định xây dựng một nơi nghỉ dưỡng cho gia đình vì nhận thấy Hướng Phùng có điều kiện khí hậu tương đối lý tưởng, tuy nhiên nhiều bạn bè của anh lên đây đã rất hứng thú với mô hình này nên anh đã mạnh dạn mở rộng quy mô. Đến nay, mô hình farmstay của anh đã hoàn thiện khoảng 60% dự tính thiết kế trên diện tích khoảng 2,5 ha, quy hoạch trồng rừng hoa anh đào, thông, sim… và các bungalow để du khách đến nghỉ dưỡng. “Trước thời điểm diễn ra COVID - 19 cũng như ảnh hưởng mưa lũ, mô hình farmstay “Năm mùa bungalow” của chúng tôi kín lịch đặt phòng vào các ngày cuối tuần và đạt công suất 40% vào các ngày thường”, anh Thông chia sẻ.

Có thể thấy, thời gian qua, một số mô hình du lịch cộng đồng như vườn hoa hướng dương (Gio Linh), vườn hoa tam giác mạch (Hướng Hóa), bungalow Năm mùa (thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng, Hướng Hoá)…. bước đầu đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị. Ngoài ra, một số lễ hội truyền thống cũng được quan tâm bảo tồn, khôi phục và duy trì như lễ hội chợ Đình Bích La, lễ hội A Riêu Ping, lễ mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng ... thu hút đông du khách tham gia. Nhìn chung, hoạt động du lịch cộng đồng ở Quảng Trị đang còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, lượng khách đến tham quan, du lịch chủ yếu là khách nội địa. Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp để sản xuất các mặt hàng lưu niệm, đặc sản nông nghiệp phục vụ khách du lịch, đồng thời tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút và níu chân du khách. Trong khi đó, tình hình thu hút và triển khai đầu tư các dự án du lịch còn chậm, các dự án đã đăng ký đầu tư kéo dài thời gian không triển khai thực hiện hoặc đầu tư không dứt điểm, hoạt động không có hiệu quả. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Chiến cho biết: “Cản trở lớn nhất ở Quảng Trị là người dân chưa có kinh nghiệm làm du lịch, việc hướng dẫn, tập huấn cho người dân làm các mô hình du lịch cộng đồng và chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp bên ngoài có kinh nghiệm đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn”.

Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Nhiều hoạt động du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Một nguyên nhân quan trọng nữa là Quảng Trị nằm ở vùng duyên hải miền Trung, hằng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ rất cao.

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững

Phát triển du lịch cộng đồng phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lấy lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương là trên hết, lấy văn hóa đặc trưng của tỉnh và các thế mạnh về tài nguyên du lịch để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Trị. Tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng ở tỉnh là rất lớn, trong đó có nhiều điểm du lịch cần tập trung hỗ trợ để phát huy hiệu quả. Đó là điểm du lịch suối nước nóng Klu ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông; điểm du lịch cộng đồng gắn với di tích hệ thống công trình khai thác nước cổ ở Gio An, Gio Linh; điểm du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, xã Hải Xuân, Hải Lăng; điểm du lịch cộng đồng thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh; các bãi tắm cộng đồng Trung Giang, Gio Hải, Cang Gián, Thủy Bạn, Cửa Việt ở Gio Linh; các điểm du lịch cộng đồng khu vực Bắc Hướng Hóa...

Để phát triển du lịch cộng đồng cần phải ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút được nhiều khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển du lịch cộng đồng phải gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương làm cơ sở để thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, tiêu thụ. Mỗi huyện, thị xã, thành phố khi triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020 cần tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đồng thời phát huy lợi thế để phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhận thức rõ du lịch cộng đồng là ngành kinh tế có tính xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên cơ sở đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Người dân - chủ thể tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch cộng đồng phải ý thức một cách nghiêm túc về việc đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch phục vụ cho du khách, chất lượng của sản phẩm du lịch không chỉ thể hiện ở giá trị vật chất mà còn ở giá trị tinh thần.

Trong định hướng phát triển du lịch cộng đồng thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, một yếu tố quan trọng là tỉnh cần xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng để du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao mức sống của cộng đồng dân cư. Ngoài ra phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với đào tạo nghề thông qua việc tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về ngoại ngữ, kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá để các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được du khách gần xa biết và tìm đến trải nghiệm.

 

 Thanh Trúc

Nguồn: Báo Quảng Trị

Cùng chuyên mục