Thừa Thiên Huế: Nắm bắt thuận lợi, tăng tốc khai thác điểm đến
Phá Tam Giang đã bắt đầu đón khách. Ảnh: ĐỨC QUANG
Không khai thác sẽ mãi là tiềm năng
Theo chuyên gia du lịch, bất kỳ điểm đến nào cũng thế, sẽ luôn trải qua 5 giai đoạn phát triển. Đó là giai đoạn khởi động, mới được du khách biết đến. Ở giai đoạn này, tất cả đều mang tính tự phát, dịch vụ chưa hình thành; sang giai đoạn thứ hai những dịch vụ đơn giản đầu tiên được manh nha, một số hạ tầng được đầu tư; sang giai đoạn thứ ba khi những dịch vụ quan trọng nhất là lưu trú, vui chơi giải trí được khai thác, hạ tầng đáp ứng phát triển; sang giai đoạn thứ tư là phát triển ổn định, lúc này sự phát triển của du lịch tác động tích cực đến các ngành khác và cuối cùng là giai đoạn thứ năm thoái trào.
Ở cuối giai đoạn thứ tư và giai đoạn thứ năm đòi hỏi phải mở rộng thị trường, thêm dịch vụ mới để tái cấu trúc, đưa điểm đến quay lại điểm đầu của vòng đời tiếp theo. Một diễn biến mới là dịch bệnh càng khiến chiến lược phát triển có phần thay đổi để kịp với xu hướng. Với Huế, về tổng thể, du lịch đang vào giai đoạn cuối của chu kỳ phát triển, nhưng rất nhiều sản phẩm, điểm đến của Huế chỉ ở giai đoạn đầu của chu kỳ. Cụ thể, như phá Tam Giang, các bãi biển, núi rừng... Đó là những thuận lợi quan trọng, không cần tốn nhiều công sức tái kiến thiết trong phát triển điểm đến.
Có ý kiến cho rằng, do những điểm đến chưa được khai thác nên đến nay Huế vẫn “may mắn” còn giữ được giá trị, nhất là những tài nguyên thiên nhiên. Lãnh đạo Sở Du lịch phân tích, nói “may mắn” là chưa chính xác, định hướng xuyên suốt trong phát triển của du lịch Huế là tính bền vững. Trong quá trình phát triển luôn đặt bảo vệ môi trường, những giá trị truyền thống cốt lõi lên hàng đầu.
Chưa bị tác động bởi bàn tay con người, đó là thuận lợi. Nhưng một thực tế đòi hỏi ngành du lịch phải “vận động” hơn nữa chính là có những kế hoạch để thúc đẩy những điểm đến trên thành sản phẩm của du lịch. Quan trọng nhất là phát huy giá trị đang có nhưng phải vẫn giữ được thiên nhiên, môi trường, giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Nguyễn Hữu Bình, Chủ tịch Hội Lưu trú phân tích, với những điểm đến chưa được khai thác, dĩ nhiên sẽ vẫn còn giữ nguyên vẹn. Nhưng nếu không khai thác thì 5 năm, hay 10 năm nữa thì các điểm đến vẫn không thay đổi, mãi sẽ ở dạng tiềm năng, khó có thể trở thành điểm đến thật sự góp phần thu hút khách cho Huế.
Định hướng của du lịch Huế trong 2 năm tới, giai đoạn 2021 – 2022, được xác định sẽ tập trung khai thác những điểm đến mới để thu hút thêm khách nội địa. Đây là cơ hội để những điểm đến mới tạo sức bật, sức hút cho Huế.
Bạch Mã có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái.
Cần chi tiết
Theo những người làm du lịch, tồn tại của Huế trong khai thác, thu hút đầu tư du lịch chính là những quy hoạch, điều kiện đầu tư, khai thác mang tính chi tiết hóa. Như kế hoạch phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nhiều lần được thực hiện, nhưng đến nay tài nguyên này vẫn ở dạng tiềm năng.
“Tôi còn nhớ, có ít nhất 3 dự án lớn muốn đầu tư vào phá Tam Giang. Ban đầu, doanh nghiệp rất hào hứng, lãnh đạo tỉnh cũng hết sức tạo điều kiện, nhưng sau đó, các quy định cứ liên tiếp được các đơn vị chuyên môn chỉ ra. Phải tháo gỡ nhiều thủ tục, trong khi đó sự vào cuộc hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng chưa thật sự mạnh mẽ, khiến thời gian kéo dài, các chủ đầu tư tính toán lại và đầu tư ở nơi khác”, ông Nguyễn Hữu Bình nói.
Ông Võ Viết Hùng, chủ nhà hàng Cồn Tộc (xã Quảng Lợi, Quảng Điền) không giấu được sự thất vọng sau khi có mong muốn đầu tư một số điểm ngắm cảnh ở trên phá Tam Giang. Mới đây là mong muốn đầu tư một resort nghỉ dưỡng. Việc chưa có một quy hoạch chi tiết về các điểm có thể đầu tư dịch vụ, kèm danh mục kêu gọi đầu tư cụ thể khiến quá trình đầu tư gặp vướng mắc.
Khai thác du lịch trên sông Ngự Hà là vấn đề được đặt ra một thời gian dài, nhưng đến nay chưa thể thành điểm đến mới cho Huế. Sở Du lịch thông tin, khâu tìm và lựa chọn mẫu mã thuyền phục vụ khách là lý do khiến các nhà đầu tư phải tốn nhiều thời gian. Muốn đầu tư, doanh nghiệp phải thiết kế mẫu thuyền, đảm bảo các tiêu chí về thẩm mỹ, độc đáo, không gây ồn và an toàn. Đã có nhiều phương án song vẫn chưa phù hợp. Trong đó, phương án dùng thuyền chống tay như một số nơi trên thế giới cũng không khả thi vì không đảm bảo an toàn, bởi sông Ngự Hà tương đối sâu.
Một doanh nghiệp từng muốn đầu tư khai thác dịch vụ trên sông Ngự Hà trăn trở, Huế muốn khai thác dịch vụ trên sông nên ban hành mẫu thuyền cụ thể, đã kiểm định các tiêu chí, dựa trên đó doanh nghiệp sẽ triển khai để đầu tư. Nếu cứ để doanh nghiệp “tự bơi”, phải đến quá nhiều nơi để gỡ thì quả thật khó để đầu tư.
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch phân tích, trong nguyên tắc đầu tư, càng chi tiết các điều kiện sẽ càng dễ thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn, nằm ở những vị trí có tính chất đặc biệt như vùng biên giới, vườn quốc gia, lõi thành phố…. Điều đó cũng gia tăng tính minh bạch cho các dự án. Đây chính là hạn chế của nhiều điểm đến đang muốn thu hút đầu tư ở Huế, cần được tập trung nghiên cứu, khắc phục trong thời gian đến./.
ĐỨC QUANG