Rừng tràm Trà Sư (An Giang) - “Lá phổi" của miền Tây
Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. Vào mùa nước nổi, rừng tràm Trà Sư mang một vẻ đẹp trác tuyệt, kỳ ảo, đầy thơ mộng.
Sau khi trải qua đoạn đường dài 64 km từ TP Long Xuyên, du khách sẽ xuống tắc ráng (xuồng máy) để bắt đầu chuyến tham quan rừng tràm Trà Sư. Trôi giữa dòng nước biếc xanh phủ kín bởi những cánh bèo, phía trên là những tán tràm ngả vào nhau, đan cài như mái che, đưa du khách lạc vào không gian xanh mát, thanh bình. Xuyên qua con đường trên mặt nước dài khoảng 3 km, du khách sẽ đến với khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tại đây, du khách được chuyển sang xuồng chèo tay để di chuyển sâu hơn vào rừng tràm.
Không còn bất kỳ tiếng động cơ hay âm thanh ồn ào nào khác, những chiếc xuồng nan vừa đủ chỗ cho 4 người nhẹ nhàng trôi theo dòng nước, len lỏi giữa những con rạch nhỏ, qua các tán tràm rủ ngang đầu người. Không gian tĩnh mịch, hoang vu, chỉ có tiếng bìm bịp kêu, đôi khi dăm cánh cò chao liệng ngay trước mắt du khách. Chưa bao giờ con người và thiên nhiên gần gũi nhau đến vậy.
Đi trong hương tràm tỏa dịu, du khách có thể dễ dàng thấy cò mẹ chăm con trong tổ, gà lôi Ấn Độ chạy trên cánh bèo tây hay từng đàn cá bơi tung tăng sát mạn thuyền... Cả không gian và thời gian như lắng đọng trong bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Khi hoàng hôn buông xuống là lúc đàn cò tìm về tổ. Hàng nghìn cánh cò chao liệng, đậu trên thảm tràm xanh như những dải lụa trắng vắt trên cây.
Du khách cũng có thể lên đài quan sát nằm giữa rừng, quan sát bốn bề rừng tràm Trà Sư bằng ống nhòm. Nếu may mắn sẽ thấy hàng vạn con cò trắng bay về tổ như tấm vải khổng lồ phủ trên nền rừng xanh.
Ngoài ra, từ đài quan sát này, du khách sẽ nhìn thấy một số ngọn núi trong dải Thất Sơn như núi Ông Két (Anh Vũ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), tượng Phật Di Lặc cao 33,6m nằm trên núi Cấm hay cũng có thể thấy cả dãy núi Sam… Trên vọng cao nhìn cảnh đồng bằng, rừng núi, thiên nhiên bao la, đón làn gió mát rượi sẽ khiến du khách quên đi những mệt mỏi, bộn bề của cuộc sống, tâm hồn như lắng lại, hòa cùng hơi thở với từng nhành cây, ngọn cỏ nơi đây.
Không chỉ là “lá phổi xanh” của miền Tây Nam Bộ, rừng tràm Trà Sư còn là “ngôi nhà” của nhiều loài chim, thú... quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam như giang sen, điêng điểng, cò Ấn Độ, cò lạo...
Nhờ sự đa dạng, phong phú về hệ động, thực vật như vậy nên rừng tràm Trà Sư được đánh giá có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn đất ngập nước tại đồng bằng sông Cửu Long.
Nhận thức được tầm quan trọng của rừng tràm Trà Sư trong hệ thống sinh thái, cảnh quan môi trường, năm 2016, tỉnh An Giang đã lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Cùng với các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển bền vững khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư như dự án trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ hành chính, đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra danh mục thực vật rừng, thành lập Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã và du lịch sinh thái... An Giang còn hỗ trợ phát triển kinh tế các ấp giáp ranh.
Đặc biệt, tỉnh này đã tạo cơ chế để người dân tộc thiểu số được tham gia vào chương trình bảo tồn, phát triển khu bảo vệ cảnh quan như bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển và sử dụng rừng...
Với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mang nét tiêu biểu của vùng đất ngập nước phía tây sông Hậu, rừng tràm Trà Sư còn nhiều cơ hội để phát triển du lịch. Nơi đây hoàn toàn có thể trở thành điểm đến tiêu biểu của du lịch An Giang./.