Đặt vé tàu trực tuyến qua điện thoại. Ảnh: Bảo Phước
Ngay từ năm 2022, hệ thống vé điện tử tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được tích hợp qua nền tảng Hue-S. Để mua vé, du khách chỉ cần truy cập vào ứng dụng Hue-S, chọn chức năng “Dành cho du lịch Thừa Thiên Huế”, chọn banner “Vé điện tử tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế”, sau đó chọn điểm tham quan, số lượng người, chọn mua vé và thanh toán. Khách có thể chọn xuất biên lai điện tử nếu cần. Đây là giải pháp chuyển đổi hình thức mua vé thuận tiện, nhanh chóng và thanh toán không dùng tiền mặt, tiết kiệm thời gian cho người dân, du khách khi đến tham quan tại các địa điểm thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế.
Du lịch thông minh có thể được định nghĩa là một xu hướng mới trong ngành du lịch, cho phép khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể truy cập và sử dụng thông tin cần thiết mọi lúc, mọi nơi thông qua các thiết bị thông minh. Du lịch thông minh được xây dựng dựa trên các công nghệ cốt lõi, như: Công nghệ thông tin và truyền thông, mạng xã hội, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo.
Với sự phát triển của các công nghệ mới, khái niệm về du lịch thông minh được mở rộng thêm để hình thành các giá trị được chia sẻ giữa những doanh nghiệp và khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có thể mang đến những sản phẩm – dịch vụ với chất lượng tốt nhất và khách hàng có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn các dịch vụ. Du lịch thông minh là tất cả các sản phẩm - dịch vụ du lịch được cung cấp đến khách du lịch một cách tiện lợi và nhanh chóng nhất. Du lịch thông minh hướng đến những trải nghiệm và sản phẩm du lịch thân thiện với người khách hàng và hướng đến sự cá nhân hóa đến từng khách hàng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định nhiệm vụ huy động các nguồn lực, thành phần kinh tế ra sức phục hồi nhanh ngành du lịch gắn với cơ cấu lại để tạo bước phát triển đột phá, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, du lịch phải là một trong những ngành kinh tế có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều việc làm và ngân sách nhất tại địa phương, đặc biệt nó phải là ngành kinh tế thông minh.
Nhằm tăng tiện ích cho khách du lịch, các cơ sở du lịch ở Thừa Thiên Huế được tạo điều kiện tập trung dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide/minh họa qua quét QR) phục vụ khách du lịch tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế và các điểm đến khác; hệ thống xe đạp thông minh; giải trí thực tế ảo VR, VR 360, thực tế ảo tăng cường; trang bị hạ tầng du lịch thông minh; các ki-ốt cung cấp thông tin và xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, triển khai vé điện tử... để tạo tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch khi đến Huế.
Dù có những chuyển biến tích cực, nhưng phát triển du lịch thông minh ở Thừa Thiên Huế vẫn còn không ít khó khăn. Các doanh nghiệp du lịch chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế về vốn cho nên việc đầu tư cho các ứng dụng công nghệ còn manh mún, thiếu đồng bộ. Chưa kể, kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế ở mảng du lịch trực tuyến chưa nhiều, bởi du lịch vẫn nghiêng về cách làm truyền thống là chính; nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch thông minh lại vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Đã đến lúc, cần có ngay những giải pháp căn cơ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, để du lịch thật sự thông minh. Cần dành nguồn kinh phí đúng mức cho đầu tư máy móc, cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng cho du lịch thông minh phát triển bền vững, đồng bộ. Để có thể vận hành hệ thống công nghệ hiện đại, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái du lịch thông minh cũng cần chú trọng bởi nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tham gia vận hành, sử dụng, triển khai sáng tạo các ứng dụng công nghệ mới, cập nhật các xu hướng mới nhanh hơn.