“Trái tim” của xứ sở thần tiên
Trời se se lạnh mang theo màn sương mờ ảo mỗi sáng sớm, những địa danh Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hạ Lang, Trùng Khánh nơi biên giới tưởng xa xôi mà đã gần ngay trước mắt, sau một chặng đường băng qua những bản làng người Tày, Nùng hay uốn lượn giữa những dãy đá vôi sừng sững. Bốn huyện phía đông tỉnh Cao Bằng nằm trong tuyến du lịch “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, một trong bốn hành trình khám phá Công viên địa chất non nước Cao Bằng đã được quy hoạch từ trước, với nhiều đặc sắc về giá trị cảnh quan và văn hóa bản địa.
Đích đến của chặng đường chính là thác Bản Giốc, nơi hội tụ vẻ đẹp quyến rũ như “trái tim của xứ sở thần tiên”. Dù đứng chiêm ngưỡng từ xa hay tới gần, thác Bản Giốc luôn khiến du khách trầm trồ bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa quyến rũ mà thiên nhiên ban tặng. Với độ cao 53 m, rộng 300 m với ba tầng thác cao như những bức tường nước khổng lồ, từ đó tỏa ra nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau, ai chiêm ngưỡng thác Bản Giốc đều có cảm giác choáng ngợp như được nhìn ngắm một bức ảnh panorama khổng lồ đặt phía trước mặt.
Vào mùa mưa (khoảng tháng 6 tới tháng 9), lượng nước từ đầu nguồn về nhiều, dòng thác căng tràn như một dải lụa óng ả đang đón gió. Dưới chân thác, hơi nước tràn ngập bốc lên phủ rộng cả vùng rộng lớn. Những người dân địa phương đã làm những bè tre nứa hoặc thuyền phục vụ du khách muốn đi sâu vào lòng thác hay vãn cảnh xuôi ngược trong hồ. Mỗi một nhịp chèo đưa bè trôi đi như rẽ lớp sương khói kỳ ảo vào xứ sở khác. Càng vào sâu bên trong lòng hồ, tầm nhìn càng bị che mờ, tất cả cảm nhận dồn vào thính giác, để nghe tiếng nước dội lại bên tai thử thách những trái tim thích mạo hiểm.
Nhiều người thích tới thác Bản Giốc mùa thu, để có thể thêm cho mình những giây phút được thong dong ngắm cảnh trên những chiếc bè mộc mạc hay du ngoạn bằng thuyền kayak trên dòng sông Quây Sơn, cảm nhận hương vị mùa vàng miền núi cao đặc sắc từ những nương lúa, gùi hạt dẻ, bắp ngô... của bà con.
Bài & ảnh: Nguyễn Lê