Việt Nam và Colombia chia sẻ kinh nghiệm về quản lý các khu bảo tồn tự nhiên và vườn quốc gia
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo trực tuyến (Ảnh: TITC)
Đồng chủ trì hội thảo về phía Việt Nam là ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; phía Colombia là bà Nohora Constanza Olaya Cantro - Vụ trưởng Vụ Phát triển du lịch chất lượng và bền vững (Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Colombia).
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam), Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Lâm nghiệp), các Vụ chức năng của Tổng cục Du lịch Việt Nam, Lãnh đạo Sở quản lý du lịch các tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Cà Mau, Lào Cai, Cao Bằng, Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, các Vườn quốc gia Ba Vì, Cúc Phương, Cát Bà, Bái Tử Long, Ba Bể, Phia Oắc-Phia Đén, Tam Đảo, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cát Tiên, Côn Đảo, Tràm Chim, U Minh Hạ, Phước Bình, Núi Chúa, Kon Ka Kinh, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi lĩnh vực của đời sống trên toàn cầu, trong đó có du lịch. Đại dịch khiến ngành du lịch thế giới phải ngừng trệ hoàn toàn, trong đó có hoạt động du lịch sinh thái. Tuy nhiên, việc các khu bảo tồn không mở cửa đón khách du lịch trong thời gian này cũng tạo điều kiện cho hệ sinh thái tự nhiên phục hồi nhanh chóng hơn. Mặt khác, đây cũng là thời điểm thích hợp để các nhà quản lý đề ra những kế hoạch, giải pháp cho việc mở cửa các khu bảo tồn một cách bền vững.
Ông Camilo Andres Acosta Guete - Đại diện Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam (Ảnh: TITC)
Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới (đứng thứ 16) với những kiểu hệ sinh thái tự nhiên, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Theo nghiên cứu của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), hệ thống các khu rừng đặc dụng và khu bảo tồn ở Việt Nam đa dạng cả về giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, tạo điều kiện tốt cho phát triển du lịch sinh thái. Đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng đệm của khu bảo tồn với những nét văn hóa đặc trưng riêng cũng thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của rất nhiều du khách. Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực bảo tồn tự nhiên là một trong những định hướng phát triển chính của du lịch Việt Nam.
Hoạt động du lịch sinh thái đã mang lại nhiều kết quả tích cực về bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức của cả cộng đồng và du khách về công tác bảo tồn. Tuy vậy, công tác quản lý và khai thác hoạt động du lịch tại các khu vực này còn nhiều hạn chế, khả năng tự chủ của ban quản lý còn yếu, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu về các nguyên tắc của du lịch sinh thái.
Thông qua hội thảo, Phó Tổng cục trưởng hi vọng các chuyên gia của Colombia và Việt Nam sẽ chia sẻ nhiều thông tin, chính sách và kinh nghiệm phù hợp về quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn, phương thức khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên tại các khu bảo tồn cho hoạt động du lịch sinh thái, đồng thời sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai giữa hai quốc gia về du lịch sinh thái, du lịch tại các khu vực bảo tồn…
Các đại biểu dự hội thảo trực tuyến (Ảnh: TITC)
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 33 Vườn Quốc gia, 57 Khu dự trữ thiên nhiên, 13 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 Khu bảo vệ cảnh quan và 09 Khu dự trữ sinh quyển. Trong số đó, tổng cộng chỉ có 61 Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên có tổ chức hoạt động du lịch sinh thái.
Nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của du lịch sinh thái là “chìa khóa để xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”, du lịch Việt Nam luôn xác định du lịch sinh thái là một định hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển và định hướng này còn có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh phát triển du lịch sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19 và phát triển du lịch hướng tới mô hình tăng trưởng xanh - du lịch xanh, góp phần tích cực vào phát triển bền vững. Ngành du lịch Việt Nam đang và sẽ nỗ lực để biến những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái, góp phần phục hồi và phát triển du lịch cũng như đưa Việt Nam thực sự trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.
Tại hội thảo, hai bên đã chia sẻ về nội dung quản lý và chính sách phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam; Chiến lược của Colombia về vườn thiên nhiên…
Trung tâm Thông tin du lịch