Hội thảo về giải pháp phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vùng Đông Bắc
Đầu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho biết, xu hướng của khách du lịch hiện nay rất quan tâm đến hoạt động khám phá cảnh quan thiên nhiên sinh thái, văn hóa bản địa, du lịch mạo hiểm. Ở nước ta, đặc biệt là những tỉnh thuộc Đông Bắc như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang… có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, tuy nhiên sản phẩm chưa được khai thác tương xứng với thế mạnh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch hi vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, qua đó đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, góp phần xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của du lịch Đông Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, khái niệm về du lịch mạo hiểm chưa đồng nhất nhưng có thể hiểu du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch ở khu vực tự nhiên còn tương đối hoang sơ, nơi du khách sẽ được thỏa mãn nhu cầu khám phá những điều không ngờ tới của những cảm xúc trước những hoạt động “mạo hiểm” mà trước đó họ có thể hình dung được song đã tự nguyện tham gia. Du khách tham gia loại hình này thường là những người ưa thích khám phá và ưa cảm giác “mạnh”.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến
Vùng Đông Bắc có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm với tài nguyên địa hình đồi núi cao, độ dốc nhiều, chia cắt đa dạng tạo nên đặc điểm địa hình độc đáo đặc sắc (Cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Tây Côn Lĩnh, công viên địa chất Non nước Cao Bằng…); sông, suối, hồ, thác nước với việc khai thác dòng chảy (Sông Nho Quế ở Hà Giang, thác Bản Giốc ở Cao Bằng, hồ Ba Bể ở Bắc Kạn…); hang động khai thác độ sâu, sự phức tạp (Động Ngườm Ngao ở Cao Bằng, Hang Tiên ở Hà Giang, động Nàng Tiên ở Cao Bằng…) và các giá trị cảnh quan, hệ sinh thái (Vườn quốc gia Ba Bể ở Bắc Kạn, vườn quốc gia Phja Oắc- Phja Đén ở Cao Bằng...); Các giá trị văn hóa bản địa thể hiện ở bản/làng các dân tộc bảo tồn được những giá trị về sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt sản xuất truyền thống…
Từ những tiềm năng kể trên, sản phẩm du lịch mạo hiểm ở khu vực Đông Bắc được chia làm 3 nhóm sản phẩm: Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên không (du lịch bằng máy bay trực thăng, dù lượn, nhảy dù…); Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm trên bộ (du lịch dã ngoại, leo núi, leo nhảy vách đá dựng đứng, khám phá bằng ô tô, mô tô, xe đạp địa hình, đi bộ, trượt zipline, đi thăng bằng trên dây, cầu kính, khám phá vườn quốc gia, hang động…); Nhóm sản phẩm du lịch mạo hiểm dưới nước (chèo thuyền, thả bè, khám phá thác nước, trải nghiệm suối khoáng nóng, lặn…)
Nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đưa ra một số giải pháp, trong đó về thị trường khách nội địa, hướng tới thu hút đối tượng khách thanh niên và trung niên, kết hợp loại hình du lịch mạo hiểm với các loại hình du lịch khác. Với thị trường khách quốc tế, tập trung thu hút khách từ khu vực Đông Bắc Á, ưu tiên khai thác thị trường khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ có sức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, từng bước mở rộng thị trường khách Đông Nam Á, châu Á và các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Nga, Braxin…
Đại diện Sở VHTTDL Bắc Kạn phát biểu tại hội thảo
Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, tăng cường liên kết giữa Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch với Sở Du lịch, Sở VHTTDL của các địa phương trong công tác xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch mạo hiểm, đồng thời các địa phương liên kết, tham gia các hoạt động xúc tiến do Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch tổ chức hoặc các địa phương tự tổ chức tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới, tiềm năng về du lịch mạo hiểm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần phối hợp cùng doanh nghiệp, hiệp hội du lịch thực hiện công tác quảng bá xúc tiến, gắn với việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh với quảng bá thương hiệu, sản phẩm du lịch mạo hiểm của doanh nghiệp. Phối hợp tổ chức đón các đoàn famtrip, các đoàn báo chí trong nước và nước ngoài đến khảo sát, đưa tin về các điểm khai thác du lịch mạo hiểm, các tour, tuyến du lịch mạo hiểm tại các địa phương. Ngoài ra cần tăng cường liên kết giữa các địa phương nội vùng Đông Bắc, mở rộng với khu vực Tây Bắc, giữa trung du miền núi phía Bắc với các vùng du lịch khác.
Doanh nghiệp lữ hành phát biểu tại hội thảo
Tại buổi hội thảo, đại diện các địa phương như Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… đều cho biết, du lịch mạo hiểm là một sản phẩm đặc trưng mà các địa phương rất quan tâm. Địa hình, địa chất, khí hậu, thiên nhiên ở vùng Đông Bắc rất thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm vẫn gặp những khó khăn về công tác tổ chức, quy mô, kinh phí, cơ sở hạ tầng, sự gắn kết giữa địa phương và doanh nghiệp du lịch, nguồn nhân lực, công tác xúc tiến, quảng bá… Vì vậy để sản phẩm du lịch mạo hiểm phát triển tương xứng với tiềm năng, theo các địa phương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đồng thời mỗi địa phương cần xây dựng một sản phẩm đặc trưng, tránh trùng lặp, đơn điệu. Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành và địa phương trong công tác quản lý khai thác tài nguyên du lịch, quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành của các ngành có liên quan…
Đại diện một số doanh nghiệp du lịch dự hội thảo khẳng định luôn sẵn sàng phối hợp, liên kết với các địa phương để đẩy mạnh sản phẩm du lịch mạo hiểm. Du lịch mạo hiểm cũng là một trong nhiều sản phẩm các doanh nghiệp du lịch rất quan tâm và muốn đẩy mạnh xây dựng nhiều tour mới lạ, hấp dẫn du khách. Các doanh nghiệp du lịch bày tỏ sự vui mừng vì dịch Covid-19 đang có những diễn biến tích cực, cuộc sống đang dần trở lại với trạng thái “bình thường mới”. Thời gian qua các doanh nghiệp du lịch đã luôn nỗ lực “vượt khó” để thích ứng với dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị những điều kiện tốt để triển khai hoạt động, góp phần khôi phục ngành Du lịch.
Trung tâm Thông tin du lịch