Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch vùng cù lao – Chợ Mới (An Giang)

Cập nhật: 09/03/2011 10:54:54
Số lần đọc: 4354
Với hệ thống sông ngòi, vùng chuyên canh màu, vườn cây ăn trái, làng nghề tiểu thủ công nghiệp…, huyện cù lao Chợ Mới đã nắm bắt và đẩy mạnh mô hình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch miệt vườn sông nước. Đây là hướng đi mới nhằm phát huy lợi thế sẵn có, khai thác tiềm năng du lịch, để góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương.

Chợ Mới có nhiều công trình kiến trúc xây dựng thời Pháp thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Nhiều tiềm năng là xã Tấn Mỹ với nhiều công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc nghệ thuật như: Nhà thờ Cù Lao Giêng có niên đại trên 100 năm, 2 dòng tu Chúa Quan phòng và Phanxico. Bên cạnh đó còn có 2 nhà thờ Cồn trên và nhà thờ Cồn Én ở Tấn Long. Ngoài ra, còn có 2 chùa Thành Hoa (Đạo Nằm) ở ấp Tấn Lợi, chùa Cây Sọp ở ấp Tấn Phước. Chỉ tính riêng chùa Đạo Nằm nổi tiếng từ trước đến nay, từ tháng giêng đến tháng 4 âl hàng năm đón khách thập phương kéo về cúng bái nườm nượp. Cao điểm nhất là rằm tháng 2 âl đám giỗ ông Đạo Nằm, mỗi ngày có trên 3.000 lượt khách đến viếng. Đình Tấn Mỹ còn là công trình kiến trúc nghệ thuật lịch sử cách mạng được Nhà nước công nhận. Còn tại xã Bình Phước Xuân, cũng vừa trùng tu, xây dựng chùa Phước Thành trị giá hơn 3 tỷ đồng. Đặc biệt, Tấn Mỹ có di tích Cột Dây Thép (nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên), gần 100 hầm nuôi chứa cán bộ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước... 3 xã cù lao Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân còn có nhiều vườn cây ăn trái sum suê san sát, như: Xoài, ổi, mận… và còn lưu giữ những ngôi nhà kiến trúc cổ xưa, rất thuận lợi để phát triển du lịch homestay.

Huyện chợ mới đã thực hiện bản đồ quy hoạch các điểm du lịch trên địa bàn xã Tấn Mỹ gồm 11 điểm tham quan và tập hợp 26 tư liệu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, để phát triển du lịch. Xã Tấn Mỹ đã tiến hành sửa chữa nâng cấp khuôn viên đình thần xã Tấn Mỹ (Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh). Đồng thời, cùng với Công ty Du lịch lữ hành Mê Kông khảo sát bến đỗ tàu đón khách du lịch. Bên cạnh, huyện còn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Một điểm không kém phần quan trọng đó là văn minh nơi du lịch. Địa phương thường xuyên vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, làm sạch đường làng. Một số điểm như: Chùa Thành Hoa, Dòng Thánh Phanxico, Dòng chúa Quan Phòng, đình thần Tấn Mỹ… được những người có trách nhiệm cai quản chăm sóc, bảo vệ tốt và nhiệt tình đón khách. Tại chùa Thành Hoa còn trưng bày một số đặc sản và ngành nghề nổi tiếng của địa phương như: Làng nghề chằm nón lá Hội An và Hòa Bình, đan đát Long Giang, nghề mộc Chợ Thủ, bánh tráng rế, nước tương, bánh kẹo… được nhiều du khách thích thú.

Để du lịch trên địa bàn tiếp tục phát triển, huyện đang có kế hoạch mở rộng tuyến đường liên xã nối kết các điểm du lịch từ đình Tấn Mỹ đến chùa Thành Hoa, chọn điểm làm bến đỗ tàu đón khách đến tham quan, xây dựng cổng chào huyện tại ngã 3 Cựu Hội và cổng chào đón khách du lịch tại bến đò Mỹ Luông. Tuyển chọn và đào tạo mạng lưới hướng dẫn viên du lịch huyện cũng như tiếp thị các làng nghề và trùng tu, nâng cấp các di tích lịch sử, phát triển phong trào đờn ca tài tử…

Nguồn: website An Giang

Cùng chuyên mục