Hành trang lữ khách

Khám phá vẻ đẹp ở vòng cung Tây - Đông Bắc

Cập nhật: 29/08/2008 10:08:52
Số lần đọc: 2205
Chặng hành trình của tuyến du lịch vòng cung Tây - Đông Bắc, từ Hà Nội, du khách đi qua các tỉnh Phú Thọ lên Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng xuôi về Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Trên con đường trải nhựa phẳng phiu, nằm uốn lượn theo những gấp khúc, quanh co của đồi núi trung du, sau những rừng cọ, đồi chè, thấp thoáng nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường, Thái. Vượt đèo Khau Phạ dài 27km, điểm dừng đầu tiên của du khách là được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang, một kiệt tác ở Mù Cang Chải. Sau phút ngỡ ngàng, du khách vượt dốc lên bản Trống Tông ở La Pán Tẩu, phóng tầm mắt để cảm nhận được sự kỳ diệu của ruộng bậc thang, mà trong năm 2007 đã được Bộ Văn hóa, thông tin và du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.

Qua Yên Bái, địa danh Lào Cai gắn liền với các tên gọi đã thu hút du khách Sa Pa - thành phố trong sương, Bãi đá cổ với những khắc họa hàng ngàn năm chưa có lời giải, núi Hàm Rồng, Thác Bạc. Vượt 50km cách thành phố Lào Cai, trung tâm huyện Mường Khương có khí hậu, địa hình, phong cảnh trông xa như bức tranh muôn sắc màu. Văn hóa truyền thống của 14 dân tộc anh em đã tạo cho vùng đất này tiềm năng du lịch phong phú. Đến đây, du khách thực sự cuốn hút bởi sự náo nhiệt, độc đáo của phiên chợ ngựa ở Mường Khương, sắc màu đa dạng của đồng bào các dân tộc trong trang phục truyền thống ở chợ Mường Khương, chợ Bắc Hà, đến địa danh Cao Sơn có khí hậu rất giống với TP. Sa Pa. Sau những giờ leo núi, thăm chợ, nghỉ ngơi ở nhà hàng Cao Sơn, du khách có thể tham gia vượt thác trên sông Chảy, từ chợ Cốc Ly đến Bảo Nhai. Mỗi người có thể tự chọn cho mình loại hình đi thuyền sắt hoặc đi mảng (bè) được kết bằng nứa, cùng nhau tự tay chèo, dùng sào đẩy mảng theo luồng lạch, để tránh mắc cạn và tránh va vào vách núi.  Sau những phút thư giãn trên sông, tiếp chặng hành trình, du khách vượt qua Xín Mần - Hà Giang, cung đường huyền thoại, nơi có Bãi đá cổ Nấm Dẩn - di tích quốc gia với những hình chạm khắc cổ tinh vi, độc đáo của người xưa, có những nét tương đồng với đá Sapa - Lào Cai. Ở đây còn có Thác Gió, nước đổ từ độ cao 70m xuống, trông xa như một dải lụa; đó là một điểm nhấn trong rừng nguyên sinh Xín Mần.

Theo những con đường quanh co, sát chân những ngọn núi dựng đứng của Tây Bắc, những chiếc xe du lịch đưa du khách vượt dốc lên thăm các địa danh của mảnh đất địa đầu Hà Giang, có cột cờ Lũng Cú, cổng trời Quản Bạ, từ Đồng Văn qua Mã Pì Lèng, sang Mèo Vạc, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo ở chợ tình Khâu Vai, tiếp chặng hành trình du khách sẽ tới Cao Bằng để thăm di tích lịch sử Pắc Bó, ngược về vùng đất xanh Trùng Khánh, thăm thắng cảnh đồng Ngườm Ngao, Thác Bản Dốc, đèo Mã Phục...

Sau chặng hành trình leo núi, vượt thác, du khách lại xuôi Bắc Kạn đi thuyền trên hồ Ba Bể với quần thể du lịch Ao Tiên, đảo Bà Gúa, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, cùng nhau thư giãn, tìm hiểu về các di tích lịch sử, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái trong vườn quốc gia Ba Bể, đến thăm hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên.

Đến với các địa danh du lịch của vùng Tây - Đông Bắc, ở mỗi nơi du khách còn khám phá được nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Sự hùng vĩ của núi non trên những cung đường luôn uốn lượn bên những sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây, cùng với nét đẹp văn hóa và lòng mến khách của người dân vùng cao, dấu ấn về những địa danh du lịch ở vòng cung Tây - Đông Bắc, sẽ để lại ấn tượng thật khó quên với bất kỳ ai, dù chỉ một lần dừng chân.

Nguồn: website báo CA TP.HCM

Cùng chuyên mục