Hành trang lữ khách

Thưởng thức hải sản tươi ở Hòn Rơm

Cập nhật: 28/05/2008 08:05:53
Số lần đọc: 5061
Đi chơi Mũi Né- Phan Thiết, thưởng thức hải sản có lẽ không có gì phải bàn. Suy cho cùng, ăn hải sản ở Phan Thiết hay ở nơi nào trên các bãi biển du lịch ở nước ta cũng na ná như nhau...

Đối với nhiều người, đi du lịch Mũi Né, thích nhất là đến Hòn Rơm- một khu vực tận cùng của Mũi Né để chơi, đặc biệt là để... ăn. Thực ra Hòn Rơm không phải là một hòn đảo. Theo lời kể, trước đây, hàng năm vào mùa mưa, khí hậu thuận lợi, cỏ dại mọc nhiều. Mùa khô, cỏ khô vàng úa nhìn từ xa, vùng đất ấy giống như những đống rơm khổng lồ nên được gọi tên như vậy. Du khách thích đến Hòn Rơm không chỉ vì đó là khu vực du lịch khá bình dân mà vì có nhiều thú chơi hoang sơ nhưng ấn tượng: đốt lửa trại, đi thăm suối Hồng, chinh phục đồi cát... bên cạnh thú tắm biển mà chính là vì sẽ được thưởng thức các món hải sản: các loại mực, tôm, ghẹ... rất tươi sống, mới được đánh bắt từ biển lên.

Muốn ăn hải sản tươi sống, du khách phải cử người “canh” thức sớm. Thường là công việc này được giao cho phụ nữ. Khoảng 5g30’ đến 6g30’, các bà, các chị đi bộ dọc theo bãi. Thời gian này, các thuyền đánh bắt hải sản bắt đầu về. Những ngư dân đựng mực, ghẹ, tôm, cá tươi trong những chiếc thùng xô, đem vào bờ bằng những chiếc thuyền thúng. Du khách rất thích thú khi nhìn những con ghẹ còn sống bơi loạn xạ như muốn tìm đường thoát, những con tôm búng tanh tách, những con mực quơ râu đụng phải tay du khách, những xúc tu bám vào tay, kéo tay lên, vài con mực ống cũng lên theo...

Mua bán rất dễ dàng. Du khách có thể mua các hải sản như mực, ghẹ... theo ký hoặc mua theo “mớ” hoặc mua theo loại cỡ đều được. Giá cả tùy hôm: ngày thường bãi vắng giá rẻ; ngày lễ, Chủ nhật giá cao hơn – nhưng thường giá hải sản mua như vậy bằng hoặc thấp hơn giá chợ từ 15% – 20% nhưng cái chính là rất tươi ngon.

Thỏa thuận mua bán xong, khách chỉ nói với người bán điểm mình đang ở – mỗi điểm du lịch đều có sân bãi riêng, nơi đó để sẵn ghế, bàn để khách sử dụng. Một lúc sau, người bán sẽ mang “hàng” đến và mang theo cả bếp than, nồi, thau và cả muối tiêu chanh. Họ bày muối tiêu chanh trên bàn, xong xuống bãi chế biến: làm sạch, nướng hoặc luộc mực, ghẹ theo yêu cầu của khách. Dịch vụ này “ăn theo” mua bán – việc chế biến tính công theo ký hoặc “mớ”...

Những con mực lột da trắng phau luộc chín bốc khói, những con ghẹ chín đỏ hồng tỏa lên mùi ngọt ngào của biển cả hòa với mùi than củi nồng đượm - khiến khách nghe bụng như sôi lên, nôn nao. Có du khách còn mang cả tương ớt để chấm bên cạnh muối tiêu chanh do người bán cung cấp. Cầm nguyên một con mực lớn, chấm vào chén muối tiêu chanh, cắn một miếng... khách nghe như vị ấm nóng, vị ngọt vị cay chua lan tỏa ra toàn thân, nghe như cả đại dương, con người và sản vật đan vào nhau... thăng hoa. Hay gỡ một con ghẹ lớn, húp gạch... ôi sao ngọt ơi là ngọt, rồi gỡ thịt ghẹ chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt, nhấm nhá để nghe hương vị biển thấm vào từng kẽ răng... Cánh mày râu dịp này còn gọi thêm một vài chai bia để tăng hương vị thức ăn.

Ăn xong một đợt, ai thích tắm nhào xuống biển nô giỡn với sóng – đặc biệt là đám trẻ. Ai chưa thích tắm có thể ngồi với nhau, nói đủ thứ chuyện trên đời trong làn gió mát của biển buổi sáng và nắng ấm. Một lúc sau, có thể ăn uống “hiệp 2”, rồi “hiệp 3”... và nhớ hoài một chuyến đi biển.

Nguồn: Báo Cần Thơ

Cùng chuyên mục