Tin tức - Sự kiện

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ

Cập nhật: 08/11/2023 14:30:54
Số lần đọc: 562
Trả lời chất vấn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra vào chiều 07/11, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, sau khi tham mưu trúng và đúng, được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, được Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng phát triển văn hoá, con người Việt Nam... Đây cũng là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tại phiên họp

Chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL, đại  biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả rà soát thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội đã nêu, nguồn lực cho công tác VHTTDL chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, về giải pháp tạo cơ chế nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá, Bộ nhận thức và có hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất, nguồn lực theo nghĩa rộng, có thể thấy rằng trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, thể hiện ở chủ trương đặt văn hoá ngang bằng với chính trị, kinh tế - xã hội.

Từ sự quan tâm đó, theo Bộ trưởng, đã có nhiều hội nghị quan trọng liên quan đến lĩnh vực văn hoá được tổ chức. Sau thành công của Hội nghị Văn hoá toàn quốc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội đã tổ chức Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; Ban Tuyên giáo TƯ phối hợp tổ chức Hội thảo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo kỷ niệm 80 Đề cương về Văn hoá Việt Nam. Từ đó giúp cho ngành Văn hoá có thêm niềm tin mới, nguồn lực mới và động lực mới để tập trung cho nhiệm vụ phát triển văn hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Nếu coi nguồn lực ở nghĩa hẹp là tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Từ khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Kết luận số 30 ngày 20/7/2004 về đầu tư văn hóa, đó là tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên kết thúc nhiệm kỳ khoá XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy, tổng chi cho ngân sách Nhà nước cho văn hoá chỉ đạt 1,7%. Ở nhiệm kỳ này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lĩnh vực văn hoá đã có sự quan tâm hơn. Chính phủ đặt ra mức chi là 2%; trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã có quyết nghị như đầu tư 1.428 tỉ đồng cho 17 dự án trùng tu, tôn tạo di tích ở 17 địa phương. Việc này do UBND các tỉnh làm chủ đầu tư.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhìn nhận, các địa phương cũng quan tâm, tăng dần mức chi cho văn hoá như tỉnh Vĩnh Phúc đầu tư làng văn hoá kiểu mẫu trên 2.600 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chưa kể nguồn từ kinh phí xã hội hoá cho 60 làng; Hà Nội cũng đầu tư kinh phí lớn cho phát triển văn hoá và nhiều địa phương khác đã có sự đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hoá.

"Sau khi tham mưu trúng và đúng, được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, được Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng phát triển văn hoá, con người Việt Nam... Đây cũng là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này".

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

“Vì vậy chúng tôi cho rằng để có giải pháp căn cơ, sau khi tham mưu trúng và đúng, được Trung ương đồng ý về mặt chủ trương, được Quốc hội ban hành nghị quyết và Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ VHTTDL đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng phát triển văn hoá, con người Việt Nam trong giai đoạn 10 năm, đặt ra 7 mục tiêu tổng quát và 9 dự án thành phần. Trong đó nhấn mạnh về dự án xây dựng môi trường văn hoá, phát triển con người, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bảo tồn, phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế và cải thiện, nâng cấp một số thiết chế văn hoá", Bộ trưởng nói và mong muốn sau khi được Quốc hội thông qua, chương trình sẽ được phân bổ nguồn lực. "Đây cũng là việc đi trước, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau chứ không phải thực hiện cho nhiệm kỳ này", Bộ trưởng khẳng định.

Nhấn mạnh nguồn lực phải bắt đầu từ cơ chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các bộ luật, sửa đổi theo hướng không chỉ quản lý mà còn kiến tạo, tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế, chính sách như sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư, hợp tác công tư, thuế để tạo cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, huy động nguồn lực xã hội bổ sung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh về giải pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức khi bị cộng đồng mạng xem như là bạo hành. Ví dụ như về vụ việc liên quan đến Hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc quản lý môi trường trên không gian mạng, trách nhiệm chính thuộc về Bộ TT&TT. Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn chặn các thông tin xấu, độc, ảnh hưởng đến văn hoá, thuần phong, mỹ tục.

Ở góc độ các văn nghệ sĩ, Bộ VHTTDL đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có tính chất hướng dẫn về đạo đức, xây dựng chuẩn mực về hành vi ứng xử cho các nghệ sĩ. Về nội dung có liên quan đến phim Đất rừng phương Nam, Bộ trưởng cho rằng, theo quy định của Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim đã họp, xem xét và đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo đánh giá của Hội đồng, bộ phim không vi phạm pháp luật. Nếu có những hành vi xúc phạm, bôi xấu cần xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ VHTTDL

Trả lời chính câu hỏi của đại biểu Tô Thị Bích Châu về việc bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ TT&TT đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh để hỗ trợ người dân. Bộ cũng phối hợp Với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe; Đồng thời, có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…

Thu Sâm; ảnh: Quốc HộiTrần Huấn

Nguồn: Báo Văn hóa Điện tử - baovanhoa.vn - Đăng ngày 07/11/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT