Hoạt động của ngành

Đánh thức tiềm năng, vị thế du lịch “Đất Sen hồng”

Cập nhật: 05/04/2021 09:20:34
Số lần đọc: 654
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị tổng kết Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2015 - 2020.


Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa tặng bằng khen của UBND tỉnh cho cá nhân tiêu biểu trong thực hiện và đóng góp xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp.

Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch, ngành du lịch Đồng Tháp đã tạo được sự chuyển biến: xác định được vị thế trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Các khu di tích, điểm du lịch đã bổ sung dịch vụ, mở rộng hoạt động khai thác du lịch và mạnh dạn tiến hành xã hội hóa cho cộng đồng dân cư tham gia khai thác dịch vụ du lịch. Liên kết phát triển du lịch, tỉnh đã ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL…

Số lượt du khách và doanh thu hằng năm của tỉnh thường xuyên nằm trong tốp năm tỉnh, thành ĐBSCL. Hai chỉ tiêu về lượt khách và tổng thu du lịch hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. So trước khi có đề án, lượng khách tăng gấp đôi (năm 2014: 1,855 triệu khách, năm 2019: 3,953 triệu khách), tổng thu từ du lịch tăng gấp ba lần (năm 2014: 318,16 tỷ đồng, năm 2019: 1.051 tỷ đồng), trong khi kế hoạch đề án đến 2020 là 3,5 triệu khách, doanh thu 900 - 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 cơ sở lưu trú du lịch do tư nhân đầu tư với tổng số vốn khoảng 1.500 tỷ đồng. Từ khi thực hiện Đề án, đã phát triển được hơn 60 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.

Nhiều khu di tích, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh đã định vị được sản phẩm du lịch đặc trưng, đáng chú ý là đã mở tuyến tham quan mới (theo mùa) hoa nhĩ cán tím, hoàng đầu ấn (Vườn quốc gia Tràm chim); Khu di tích Gò Tháp - Đồng sen Tháp Mười khai thác được sản phẩm đặc thù giá trị văn hóa Óc Eo - Vương quốc Phù Nam và thưởng ngoạn cảnh quan vùng Đồng Tháp Mười với những cánh đồng sen, thưởng thức ẩm thực với các món ăn dân dã thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đề án, còn một số mặt hạn chế: tiến độ thực hiện đề án còn chậm và sản phẩm chưa rõ nét. Chưa có sản phẩm mới chất lượng cao mang tính đột phá; nhiều điểm du lịch cộng đồng hoạt động chưa thường xuyên, liên tục,…

Tại hội nghị, các đại biểu, chuyên gia và người làm du lịch cho rằng sản phẩm du lịch cần mang tính đặc thù, tỉnh tập trung đầu tư một số khu du lịch trọng điểm, trong đó có sự tham gia đầu tư của người dân theo hình thức xã hội hóa, công tác đào tạo nhân lực ngành du lịch cần nâng lên một tầm cao hơn; các huyện cần có sự kết nối với báo chí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhận định, Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đã phát huy được thế mạnh du lịch Đất Sen hồng tuy nhiên kết quả đạt được chỉ là sự khởi đầu của tỉnh.

Theo đó, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu ngành du lịch tỉnh và các địa phương không tự hài lòng, cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo; khai thác các giá trị văn hoá bản địa, gắn với giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, quà lưu niệm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến và nâng cao hình ảnh địa phương.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục