Non nước Việt Nam

Di tích lịch sử Lũng Lươn (Thái Nguyên)

Cập nhật: 02/11/2020 08:29:15
Số lần đọc: 879
Cách T.P Thái Nguyên 10km về phía Bắc (Quốc lộ 3 Thái Nguyên - Bắc Kạn), qua Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu chừng 400m, Di tích Lũng Lươn ở xóm Tân Long, xã Cổ Lũng (Phú Lương) là nơi Bác Hồ đã đến nói chuyện và phát động phong trào làm đường nông thôn để phục vụ kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Nơi đây, ngày 19/3/1951, trong chuyến kiểm tra công tác sửa chữa cầu đường tuyến Quốc lộ 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, dân quân và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đang làm đường phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong ký ức của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, người được gặp Bác cách đây 69 năm tại địa bàn xã Cổ Lũng vẫn còn nhớ như in Bác Hồ đã khen cán bộ Thái Nguyên đoàn kết tốt, công tác tốt, nhân dân Thái Nguyên chịu khó tăng gia, sản xuất và phục vụ chiến đấu. Nhưng Bác cũng nhắc nhở việc tỉnh Bắc Thái (cũ) nay là tỉnh Thái Nguyên vẫn làm đường và sửa đường chậm.
Trong hai cuộc kháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhân dân xã Cổ Lũng đã huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Học sinh Trường THCS Cổ Lũng trải nghiệm tìm hiểu lịch sử tại Di tích Lũng Lươn.

Với những thành tích và đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, cán bộ, nhân dân xã Cổ Lũng đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Những phần thưởng cao quý đó tô thắm thêm trang sử vẻ vang, truyền thống chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc xã Cổ Lũng. Cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong việc gìn giữ, bảo tồn phát huy các di tích lịch sử, các trường học trên địa bàn xã đã lồng ghép nội dung giới thiệu di tích vào giờ dạy lịch sử địa phương. Đồng thời, tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh có được những hiểu biết sâu sắc hơn về quê hương, đất nước.

Tiêu biểu như Liên đội Trường THCS Cổ Lũng các năm học đều xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm tại Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu và Di tích Lũng Lươn. Học sinh tham gia trải nghiệm được giáo viên giới thiệu về lịch sử hình thành Di tích để các em hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của địa điểm, sự kiện gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tại đây, các em còn tham gia dọn vệ sinh, trồng cây xanh đảm bảo cảnh quan chung của Di tích.

Hiện, trên địa bàn huyện Phú Lương có 118 điểm di tích, trong đó 4 di tích cấp Quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, 40 đình, đền, chùa, miếu, điện thờ. Riêng xã Cổ Lũng có 2 điểm di tích được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó có địa điểm Bác Hồ về thăm và phát động phong trào làm đường nông thôn để phục vụ kháng chiến trường kỳ năm xưa. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa đó, cán bộ và nhân dân xã Cổ Lũng luôn quan tâm và nâng cao ý thức trong việc bảo tồn Di tích góp phần lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử. Trong những năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của MTTQ, các ban, ngành đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, kinh tế - xã hội xã Cổ Lũng ngày một phát triển, đời sống của nhân dân ngày một được nâng cao cả về vật chất và tinh thần, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hằng Nga
Nguồn: Báo Thái Nguyên

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT